Viêm cột sống dính khớp là bệnh mạn tính, thuộc nhóm bệnh lý viêm khớp cột sống và các bệnh hệ thống. Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết ở giai đoạn đầu, bệnh thường không được chú ý do các triệu chứng còn nhẹ và không đặc trưng. Sau vài tháng đến vài năm phát triển trong âm thầm, khi viêm cột sống dính khớp đã tiến triển nặng, sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
Đau ở lưng hoặc vùng hông mạn tính kéo dài trên 3 tháng. Triệu chứng này thường gặp ở nam giới trẻ tuổi với đặc điểm là đau khi nghỉ ngơi, giảm đau khi vận động, thường đau về đêm gần sáng.
Đau viêm ở các khớp ngoại vi như khớp háng, gối, cổ chân... mà không tìm ra nguyên nhân.
Bất thường về dáng người như tăng ưỡn cột sống cổ, gù cột sống lưng, giảm phạm vị hoạt động của cột sống; dính khớp háng, khớp gối, gây khó khăn cho việc đi lại.
Ngoài ra, bệnh còn làm xuất hiện các vấn đề về sức khỏe khác như viêm điểm bám gân, loãng xương, viêm màng bồ đào, viêm ruột, viêm van động mạch chủ, sốt, gầy sút, teo cơ...
Theo Phó giáo sư Hoa, như bất kỳ bệnh lý nào khác, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng tác động đáng kể đến viêm cột sống dính khớp. Do đó, một lối sống khoa học sẽ giúp kiểm soát phần nào bệnh hiệu quả, cụ thể:
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Tăng cường omega 3, canxi và vitamin D rất tốt cho người bệnh viêm cột sống dính khớp. Omega 3 giúp giảm viêm hiệu quả, có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá mòi, dầu gan cá, hạt lanh và các loại hạt. Canxi trong sữa, trứng, hải sản... và vitamin D trong một số loài cá, ánh nắng mặt trời có tác dụng tăng cường sức khỏe hệ xương.
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải giúp giảm đau, cứng khớp; cải thiện sự linh hoạt và phạm vi chuyển động; cải thiện tư thế; nâng cao tâm trạng, sức khỏe tinh thần và chất lượng giấc ngủ; duy trì cân nặng lành mạnh, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến tim mạch. Các môn thể thao phù hợp với người bệnh bao gồm kéo giãn cơ bắp, kéo xà đơn, bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga...
Kiểm soát căng thẳng đặc biệt quan trọng vì căng thẳng có thể khởi phát những cơn viêm cấp tính. Do đó, nếu cảm thấy mình đang có xu hướng stress, hãy nghiêm túc thực hiện các biện pháp thư giãn, thậm chí là liên hệ với bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ.
Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia... Những thói quen này làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Phó giáo sư Hoa cho biết, hiện nay y học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn viêm cột sống dính khớp, do đó, mục tiêu chính trong điều trị là giảm triệu chứng và kiểm soát không để bệnh tiếp tục tiến triển nặng. Khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ kê đơn các nhóm thuốc như thuốc điều trị triệu chứng, bao gồm thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, giãn cơ, canxi và vitamin D3; thuốc điều trị đặc hiệu với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm và liệu pháp sinh học.
Ngoài ra, vật lý trị liệu là một phần không kém phần quan trọng trong quá trình trị liệu. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì sự linh hoạt ở cột sống và các khớp khác. Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt được kết quả như mong đợi hoặc bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
"Để kiểm soát tốt viêm cột sống dính khớp và ngăn ngừa phát sinh biến chứng, người bệnh cần phối hợp nhịp nhàng với bác sĩ, tuân thủ chỉ định điều trị, tái khám định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh", Phó giáo sư Hoa lưu ý.
Phi Hồng