Uống rượu bia
Rượu khiến cho lượng vi khuẩn lành mạnh giảm, vi khuẩn gây sâu răng và viêm nướu gia tăng. Vi khuẩn có hại này hoạt động sản sinh ra hợp chất lưu huỳnh làm cho hơi thở có mùi khó chịu.
Rượu còn làm khô miệng. Nước bọt ngoài tác dụng giữ ẩm cho răng còn giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn trên bề mặt răng. Uống nhiều nước trong ngày (khoảng 8 cốc) để kích thích sản xuất nước bọt, hỗ trợ làm sạch miệng tự nhiên. Ngoài rượu bia, đồ uống chứa caffeine, thức ăn cay cũng có thể gây ra tình trạng này.
Bỏ bữa
Bỏ bữa là nguyên nhân dẫn tới hơi thở có mùi vì miệng không tiết nhiều nước bọt để làm sạch các mảnh vụn thức ăn, kiểm soát các hợp chất lưu huỳnh. Thiếu nước bọt, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều hơn và khiến hôi miệng trầm trọng hơn.
Ăn chế độ ăn ketogenic
Ketogenic là chế độ ăn giàu chất béo, đủ protein, ít carbohydrate trong y học hỗ trợ điều trị chứng động kinh. Khi cắt giảm carbohydrate và tăng lượng protein, cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình này tạo ra các hợp chất gọi là ketone, gây hôi miệng. Trong trường hợp này, nhai kẹo cao su cũng không đường giúp cải thiện tình trạng.
Hơi thở ketone thường có mùi như aceton - chất tương tự được dùng trong nước tẩy sơn móng tay. Tuy nhiên, hơi thở cũng có thể có mùi trái cây.
Ăn thực phẩm có mùi
Gia vị, tỏi, hành, dưa chua khiến hơi thở có mùi khó chịu. Mùi hăng của những thực phẩm này có thể biến mất sau một hoặc hai giờ đánh răng đúng cách. Nếu hơi thở có mùi sau khi ăn hành thì uống trà xanh có thể là gợi ý. Trà xanh có chứa hợp chất polyphenol có khả năng tiêu diệt các hợp chất lưu huỳnh, làm giảm mùi khó chịu. Dứa, táo, cam, dưa chuột, anh đào góp phần loại bỏ mùi hơi thở, hàm lượng vitamin C cao giảm nguy cơ viêm nướu. Chúng kích thích tiết nước bọt để làm sạch miệng, làm sạch mảnh thức ăn bị mắc kẹt.
Vi khuẩn trên lưỡi là nguyên nhân chính gây hôi miệng. Hãy vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi. Tránh dùng dụng cụ bằng nhựa giòn, dễ gãy hoặc cạo lưỡi bằng kim loại vì có thể tổn thương lưỡi. Thông thường, bệnh nướu răng hoặc sâu răng thường khiến miệng hôi. Mỗi người nên khám nha khoa để điều trị bệnh răng và nướu, giúp hơi thở thơm tho.
Lê Nguyễn (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |