Viêm tụy cấp là tình trạng viêm ở tuyến tụy xảy ra đột ngột, thời gian ngắn, có thể vài ngày đến vài tuần. Triệu chứng gồm đau bụng khởi phát đột ngột, tăng dần theo thời gian, đau ở vùng bụng trên, sau đó lan tỏa ra sau lưng, có thể kèm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
Trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện triệu chứng đáng lo ngại như sốt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, bụng chướng, cứng, vàng da ở người bị tắc mật, khó thở, thở nhanh... Các cơn co thắt cơ tứ chi thứ phát cũng có thể xảy ra do hạ canxi máu.
BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, phương pháp điều trị khác nhau. Trường hợp nhẹ, bác sĩ hướng dẫn người bệnh ăn kiêng, nhịn ăn tạm thời, có thể kéo dài 48 giờ, hồi sức truyền dịch, dùng thuốc giảm đau. Hầu hết người bệnh cần nhập viện để theo dõi và điều trị nếu có các triệu chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp viêm tụy cấp phải chăm sóc đặc biệt (ICU) do diễn tiến nặng, gây suy đa cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, suy gan, suy thận.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm tụy cấp.
Điều trị nội khoa: Đầu tiên là bù dịch bằng cách truyền tĩnh mạch. Người bệnh thường đau bụng dữ dội, được dùng thuốc giảm đau. Thuốc kháng tiết, kháng toan dạ dày và kháng sinh cũng có thể điều trị nhiễm trùng.
Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ chỉ định can thiệp thủ thuật - phẫu thuật khi phát hiện hoại tử nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn sỏi mật gây viêm tụy mật. Tuy nhiên, phẫu thuật được khuyến cáo nên trì hoãn cho đến khi quá trình hoại tử, nhiễm trùng được kiểm soát, mô hoại tử đã hóa lỏng. Mục đích là giảm nguy cơ suy đa cơ quan, chảy máu không kiểm soát và nhiễm trùng huyết thấp. Sau khi mô hoại tử hóa lỏng, bác sĩ có thể dẫn lưu qua da hoặc nội soi. Nếu thủ thuật này thất bại, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được ưu tiên bởi tỷ lệ tử vong thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở.
Hỗ trợ dinh dưỡng: Khi viêm tụy cấp nhẹ, không gây đau bụng hay các triệu chứng khó chịu khác, người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường. Nếu bệnh diễn tiến nghiêm trọng, người bệnh không ăn thức ăn đặc ít nhất trong vài ngày để tránh áp lực cho tuyến tụy. Trong trường hợp này, người bệnh được hỗ trợ dinh dưỡng qua một ống thông đặt đến hỗng tràng, còn gọi là liệu pháp cho ăn qua đường ruột. Người bệnh có thể ăn bằng đường miệng trở lại khi triệu chứng đau bụng hết và cảm thấy thèm ăn. Chế độ ăn trong giai đoạn này cần ưu tiên ít béo, ít protein.
Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Khi tình trạng viêm được kiểm soát, bác sĩ tập trung điều trị nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn sỏi mật, viêm tụy cấp do rượu, viêm tụy cấp do tăng triglycerid (chất béo trung tính)...
Nếu sỏi đường mật là nguyên nhân gây viêm tụy, bác sĩ lấy sỏi bằng thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật nếu sỏi ở túi mật là yếu tố nguy cơ. Theo bác sĩ Thành, thời điểm lý tưởng để cắt bỏ túi mật là trong vòng hai tuần sau khi viêm tụy khởi phát, trừ trường hợp sức khỏe người bệnh quá yếu, không thể đáp ứng. Nếu bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu thì sau chữa trị cần cai rượu.
Viêm tụy cấp không được phát hiện, chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể gây viêm tuyến tụy mạn tính, tổn thương vĩnh viễn khó phục hồi, tử vong. Khi triệu chứng khởi phát, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ xử lý kịp thời.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |