TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nám da (mảng màu nâu, xám nâu) thường xuất hiện trên má, cằm, sống mũi, trán, môi trên, gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Có nhiều yếu tố gây nám da, trong đó nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành nám.
Nám da nội tiết (nám chân sâu) xảy ra do sự rối loạn nội tiết dẫn đến sự mất cân bằng các hormone trong cơ thể, hình thành các nốt tăng sắc tố trên bề mặt da. Sự hình thành của nám liên quan chủ yếu đến estrogen (nội tiết tố nữ). Đây chính là hormone sinh dục có vai trò quan trọng trong cơ thể và có khả năng ức chế sự sản sinh hormone MSH (hormone gây kích thích tăng sản xuất melanin dưới da).
Nếu estrogen trong cơ thể giảm, không ức chế được hormone MSH, khi đó lượng tế bào hắc sắc tố melanin sản xuất không kiểm soát được sẽ đẩy lên trên bề mặt da hình thành nám. Estrogen vốn tổng hợp của 3 chất là estron, estradiol, estriol. Estrogen có vai trò quan trọng với nữ giúp cơ thể điều hòa hệ sinh dục, tóc, da... Estrogen ở nữ tạo ra chậm hơn khi bước vào độ tuổi lão hóa, gây mất cân bằng nội tiết tố làm tăng sinh melanin dẫn đến tình trạng nám nội tiết.
Nám nội tiết có các vùng sắc tố xuất hiện tập trung lại thành từng nốt tròn trên bề mặt da, có chân ăn sâu vào trong các lớp cấu trúc da (thường gặp ở màng đáy của lớp thượng bì, đôi khi ăn sâu xuống trung bì).
Có nhiều nguyên nhân gây nám nội tiết. Trong giai đoạn mang thai, nồng độ estrogen ở nữ tăng nhanh để bảo vệ thai nhi. Sau khi sinh, estrogen trong cơ thể giảm đột ngột sẽ gây rối loạn nội tiết. Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt đôi khi cũng gây nám da. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa progestin có thể kích thích sự hình thành nám da. Chị em có thể xuất hiện nám ngay trong giai đoạn đang dùng thuốc hoặc sau 2-3 tháng dùng thuốc. Nếu có tác động của ánh nắng mặt trời, các mảng nám sẽ càng đậm, lan rộng hơn.
Tâm lý căng thẳng, áp lực trong thời gian dài ảnh hưởng đến hoạt động của não dẫn đến rối loạn sản xuất estrogen và một số hormone khác tạo gây hình thành nám. Căng thẳng còn làm tăng hoạt động của buồng trứng, tăng sự sản sinh nội tiết tố estrogen làm nám da.
Các loại da sẫm màu dễ nám hơn so với các loại da sáng, phổ biến ở các loại da nâu sáng. Bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ thêm, nữ có khả năng bị nám gấp 9 lần nam, ít gặp trước tuổi dậy thì nhưng phổ biến trong độ tuổi sinh sản. Nám da có thể xuất hiện khoảng 15-50% ở người mang thai. Người bị rối loạn nội tiết tố cũng dễ bị nám hơn người bình thường.
Nám nội tiết có dạng các đốm nhỏ, màu vàng nhạt hoặc đậm màu hơn vùng lân cận. Các nốt nám có kích thước không đều, xen lẫn với nhau, nếu không điều trị sớm sẽ phát triển lan nhanh sang các vùng da khác. Nám do nội tiết thường xuất hiện ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, cánh mũi.
Nám nội tiết là một trong những bệnh về da do sự thay đổi nội tiết tố từ bên trong cơ thể. Điều trị nám nội tiết cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy vào tình trạng bệnh. Khi thấy nám xuất hiện trên da, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để được khám, nhận biết nám nội tiết hay nám thông thường, chỉ định liệu pháp điều trị thích hợp, tránh các nám mảng lan rộng trên da.
Mai Hoa