Caffeine mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như cung cấp năng lượng, kích thích hệ thần kinh trung ương giúp tỉnh táo, tập trung. Tuy nhiên, lạm dụng caffeine dễ gây nghiện và dẫn đến các tác dụng không mong muốn.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người tiêu thụ vượt quá 400 mg caffeine (tương đương 4 tách cà phê) mỗi ngày sẽ giảm hàm lượng 6-sulfato melatonin. Đây là thành phần chính của melatonin - một loại hormone ngủ được cơ thể sản xuất tự nhiên. Melatonin thấp dẫn đến mất ngủ, khó ngủ, thiếu ngủ. Với những người nhạy cảm với caffeine, tiêu thụ ít vẫn có thể ảnh hưởng giấc ngủ.
Trường hợp có thói quen dùng nhiều caffeine, khi dừng đột ngột dễ gặp các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, khó tập trung, buồn nôn, đau cơ, rối loạn giấc ngủ. Caffeine không chỉ có trong cà phê mà còn có trong thực phẩm, đồ uống khác.
Trà chứa hàm lượng caffeine nhiều hơn cà phê, gây tác dụng dài hơn. Trà có chứa các hợp chất thực vật tự nhiên như polyphenol, tanin, có khả năng làm chậm quá trình giải phóng caffeine. Một ly trà đen chứa khoảng 47 mg caffeine, một ly trà xanh có 28 mg. Đa số trà thảo dược không chứa caffeine.
Chocolate được làm từ hạt cacao. Lượng caffeine trong các chế phẩm cacao khác nhau, càng nhiều cacao thì hàm lượng caffeine càng cao. 30 g chocolate đen chứa khoảng 12 mg caffeine. Chocolate đắng có nồng độ caffeine cao hơn chocolate ngọt, chocolate sữa.
Nước tăng lực nhiều đường, là thức uống được nhiều người yêu thích nhưng chứa nhiều caffeine. Theo bác sĩ Tiến, một số loại nước tăng lực có thể chứa đến 200 mg caffeine mỗi lon. Nạp quá nhiều caffeine từ nước tăng lực trong một ngày có thể kích thích hưng phấn quá mức, gây mất ngủ và các vấn đề về tim như nhịp tim không đều và tăng huyết áp.
Kẹo cao su là chất mềm, dẻo và chứa caffeine. Cơ thể hấp thụ caffeine nhanh hơn khi nhai kẹo cao su do các tế bào niêm mạc miệng hấp thụ nhanh. Nhai kẹo cao su có chứa caffeine làm tăng sự tỉnh táo và khả năng tập trung, nhưng không tốt cho giấc ngủ.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm mất ngủ không chỉ do caffeine mà còn có nhiều tác nhân khác như gia tăng gốc tự do, stress, tác động tiêu cực từ môi trường.
Bác sĩ Tiến cho biết các chất dinh dưỡng tự nhiên có thể bảo vệ và chăm sóc não bộ. Ví dụ, các tinh chất từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có khả năng chống oxy hóa, kích hoạt men chống gốc tự do tự nhiên trong cơ thể. Nhờ đó cải thiện lưu lượng máu lên não, hỗ trợ khôi phục kết nối thần kinh và chức năng truyền tải thần kinh, góp phần cải thiện mất ngủ.
Uống nước ép trái cây, trà thảo mộc, ăn các loại quả mọng... giúp duy trì lượng caffeine trong giới hạn an toàn. Xây dựng lịch ngủ - thức, chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất và sức khỏe, làm dịu tinh thần, cải thiện giấc ngủ.
Khi mất ngủ không do caffeine, người bệnh nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để có phương án điều trị.
Oanh Ngô
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |