Người bệnh tiểu đường luôn phải kiểm soát lượng đường trong máu để tránh tăng đột biến đường huyết. Để giữ cho đường huyết ổn định, chế độ ăn uống rất quan trọng. Mọi người có thể phải chuyển sang chế độ ăn kiêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp. Dưới đây là các gợi ý cho bữa sáng có chỉ số GI thấp mà vẫn ngon miệng, có thể cung cấp năng lượng cả ngày dành cho người tiểu đường.
Trứng
Trứng có nhiều chất đạm và lòng đỏ chứa chất béo omega-3 có lợi cho tim giúp chống viêm và không làm tăng cholesterol. Điều tiện lợi khi ăn trứng là bạn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau, khiến bạn không cảm thấy nhàm chán khi ăn trứng mỗi ngày. Ví dụ, bạn có thể làm trứng ốp, chiên, nướng hoặc luộc.
Mọi người nên thêm rau vào trứng để tối đa hóa chất chống oxy hóa. Ví dụ, thêm nấm, hành tây hay cà chua xắt nhỏ xào cùng với trứng là bạn đã có món ăn hấp dẫn và ngon miệng hơn. Hoặc bạn trộn rau củ đã nấu chín với trứng luộc, thêm một chút dầu oliu, ít muối và tiêu rồi thưởng thức bữa sáng lành mạnh mà không lo tăng đường huyết.
Bữa sáng với rau củ
Rau củ như khoai lang, bắp, các loại đậu (đậu đen, đậu hà lan, đậu lăng, đậu nành...) là nguồn cung cấp protein thực vật dồi dào, vitamin và kháng chất. Những thực phẩm này cũng có chỉ số đường huyết thấp, rất thích hợp cho người tiểu đường ăn kiêng. Bạn có thể chế biến các món luộc (khoai lang, bắp, đậu luộc), đậu hầm, salad đậu hoặc súp. Mọi người cũng có thể chế biến sốt đậu nghiền và ăn cùng với một ít mỳ ống để cung cấp năng lượng cho một ngày.
Sinh tố
Người bệnh có thể làm sinh tố trái cây hoặc kết hợp trái cây với rau củ như như cải xoăn với bơ. Để sinh tố thêm hấp dẫn và bổ sung thêm năng lượng, bạn nên thêm chất béo và protein lành mạnh như nước cốt dừa, hạnh nhân (thái lát hoặc bột), bơ hạt, bơ đậu phộng, các loại hạt...
Yến mạch và trái cây
Người bệnh tiểu đường nên dùng yến mạch nguyên hạt hoặc yến mạch cắt nhỏ vì chúng có chỉ số đường huyết thấp, tránh bột yến mạch ăn liền tinh chế vì có chỉ số đường huyết cao.
Để món ăn có hương vị nổi bật và bổ sung chất dinh dưỡng, mọi người nên trộn yến mạch với một ít trái cây có GI thấp như táo, đào hoặc lê. Bạn cũng có thể bổ sung protein bằng cách thêm một ít hạnh nhân cắt lát và các loại hạt cắt nhỏ khác vào yến mạch. Thay vì dùng đường ăn, người bệnh nên dùng quế hoặc mật ong nguyên chất để tăng vị cho món ăn mà không bổ sung nhiều đường.
Bệnh nhân tiểu đường cần tránh món ngũ cốc ăn sáng (chế biến sẵn), các loại bánh ngọt và bánh mì ngọt cho bữa sáng, vì đây là những thực phẩm có chỉ số GI cao, có thể làm tăng lượng đường trong máu. Tự chế biến món ăn là cách tốt nhất giúp người bệnh kiểm soát khẩu phần và lượng đường, do đó người bệnh nên dậy sớm hơn một chút để có bữa sáng cân bằng và lành mạnh.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)