Gan nhiễm mỡ xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, chất béo hoặc mỡ dư thừa tích tụ nhiều trong các tế bào gan. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh xảy ra do uống nhiều bia rượu; nhiễm virus viêm gan hoặc rối loạn chuyển hóa ở người tiểu đường type 2... Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Giai đoạn đầu, tình trạng nhiễm mỡ chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan, bệnh được xem là lành tính. Nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh, những tổn thương ở gan có thể được kiểm soát.
Theo tiến sĩ Khanh, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh và phòng ngừa biến chứng. Dưới đây là một số loại thực phẩm người bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế để đề phòng bệnh diễn tiến nặng.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường dẫn tới thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây ra các biến chứng nguy hiểm ở người bệnh gan nhiễm mỡ do làm gia tăng lượng mỡ gan.
Tiến sĩ Khanh cho biết, ở người thừa cân, béo phì, lượng calo không được chuyển hóa hết thành năng lượng sẽ bị tích trữ dưới dạng mỡ béo triglyceride. Hàm lượng triglyceride dư thừa không được hấp thụ hết sẽ tích tụ trong gan, khiến gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, chế độ ăn giàu đường còn thúc đẩy kháng insulin. Điều này làm glucose không thể xâm nhập vào tế bào mà tích tụ trong máu. Để cân bằng lượng đường máu, tuyến tụy sẽ sản xuất và tiết nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin trong máu cao làm tăng lượng chất béo trung tính, gây lắng đọng axit béo trong gan.
Bệnh nhân tiểu đường khi hạ đường huyết, axit béo tự do sẽ được tăng điều động từ mô mỡ vào máu, đồng thời gan chuyển hóa axit béo tự do thành triglyceride, khiến gan nhiễm mỡ. Do đó, người có lượng đường trong máu cao hoặc kháng insulin nên tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt, kem, chè... và hạn chế ăn các loại hoa quả có hàm lượng đường fructose cao như vải, táo, chuối, nho...
Thực phẩm chiên rán, giàu cholesterol
Thực phẩm chiên rán hoặc chứa nhiều cholesterol như mỡ và phủ tạng động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng gà, bơ, phô mai, thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói... không tốt cho người mắc bệnh này. Nếu ăn nhiều dễ gây thừa cân béo phì, tăng tỷ lệ triglyceride trong máu, tăng hàm lượng cholesterol xấu gây hại gan. Người bệnh nên sử dụng hoàn toàn dầu thực vật, tăng cường ăn rau xanh và các loại cá giàu axit béo omega-3 giúp cải thiện mức độ chất béo trong gan như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ.
Thực phẩm đóng hộp hoặc chứa nhiều muối
Lạm dụng thức ăn nhiều muối như thịt muối, dưa cà muối, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp dễ hình thành thói quen ăn mặn. Trong khi điều này có thể làm gia tăng lượng mỡ tích tụ trong gan.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, ăn nhiều muối giúp tăng cường độ nhạy insulin ở tế bào mỡ, cải thiện sự hấp thu glucose và chuyển hóa glucose do insulin gây ra, đồng thời thúc đẩy phì đại tế bào mỡ. Chế độ ăn nhiều muối khiến nồng độ leptin tăng cao; cơ thể phù, giữ nước; làm tăng chỉ số khối BMI hoặc tỷ lệ mỡ cơ thể, dẫn đến béo phì, kháng insulin khiến gan nhiễm mỡ. Lượng muối nạp vào cơ thể quá nhiều cũng điều chỉnh hệ thống hormone làm nhiệm vụ điều hòa cân bằng huyết áp và dịch ngoại bào, thúc đẩy quá trình viêm gan và xơ hóa, dẫn đến sự tiến triển của gan nhiễm mỡ.
Theo Tiến sĩ Khanh, gia đình nên nêm gia vị vừa ăn hoặc hơi nhạt, lượng muối hấp thu mỗi ngày không nên vượt quá 6 g.
Thực phẩm giàu carbohydrate
Ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate như cơm trắng, khoai tây, bánh mì, mì tôm, bánh quy, bánh gạo... khiến cơ thể chuyển hóa carbohydrate dư thừa thành chất béo. Nếu chất béo lắng đọng lâu ngày trong gan sẽ khiến gan nhiễm mỡ. Bạn nên thay thế bằng gạo lứt, các loại ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này giúp tăng đáng kể chất xơ, giảm chất béo và các thành phần gây viêm có trong nhiều loại carb tinh chế.
Trịnh Mai