Bà Vân khởi phát triệu chứng tê yếu tứ chi vào một tuần trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ngày càng nặng, nằm xuống hay ngồi dậy đều cần người giúp đỡ. Kết quả chọc dò tủy sống để khảo sát dịch não tủy và đo điện cơ cho thấy bà mắc hội chứng Guillain Barre. Đây là dạng tổn thương dây thần kinh do hủy myelin (phần bao quanh sợi trục của các dây và rễ thần kinh). Ngoài tổn thương myelin, đo điện cơ còn ghi nhận tổn thương sợi trục kèm theo.
Ngày 12/1, BS.CKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết bà Vân bị tổn thương ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ vận động. Theo thang điểm Hughes 0-6 dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hội chứng Guillain Barre, bác sĩ ghi nhận bà Vân ở mức ba điểm. Trong đó, điểm 0 là với người bình thường tự đi lại được, còn điểm 6 là trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
"Nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ liệt hoàn toàn tứ chi, biến chứng suy hô hấp, tụt huyết áp, ngưng tim, tử vong", bác sĩ Khánh nói.
![Bác sĩ Khánh khám cho bà Vân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/01/11/ta-hpt-8695-1704982230.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_KbSfpQffvUwI_a8_AMYpQ)
Bác sĩ Khánh khám cho bà Vân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Người bệnh được điều trị bằng phương pháp thay huyết tương, liệu trình gồm 5 lần, diễn ra cách ngày. Mục tiêu điều trị là ngăn chặn bệnh diễn tiến và tăng nặng, dự phòng biến chứng nguy hiểm, diễn biến nhanh, đe dọa tính mạng người bệnh. Tổn thương trước đó tại các bao myelin và sợi trục còn phụ thuộc vào quá trình tự hồi phục của cơ thể người bệnh.
Bà Vân được thay 4 lần huyết tương trong 8 ngày, hiện sức khỏe ổn định dần. Bà tự ngồi được vững, tình trạng yếu và tê tứ chi cải thiện, nồng độ oxy trong máu bình thường. Dự kiến bà có thể xuất viện trong 2-3 ngày tới. Bác sĩ Khánh cho biết sau xuất viện, bà cần tập vật lý trị liệu khoảng 1-6 tháng, tình trạng tê yếu tứ chi có thể giảm dần. Hầu hết trường hợp có thể phục hồi vận động hoàn toàn sau khoảng 6-12 tháng.
Hội chứng Guillain Barre là bệnh thần kinh tự miễn, ít gặp. Cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể để chống lại một số tác nhân gây bệnh như viêm hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa... Các kháng thể này cũng đồng thời gây tổn thương myelin.
Nếu có triệu chứng tê yếu tay chân cấp tính, người bệnh nên đến chuyên khoa thần kinh khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trường Giang
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |