Chị Thanh Mai (45 tuổi, ngụ Kon Tum) đậu thai vào năm 2014, nhưng ở tuần thứ 7 thai nhi không phát triển. Hai lần sau, chị mang thai ngoài tử cung phải cắt cả hai vòi trứng, không còn khả năng mang thai tự nhiên.
"Tôi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, gần như trầm cảm", chị chia sẻ ngày 5/12. Gác lại mong mỏi có thêm con, vợ chồng chị dành hết tâm sức chăm sóc con trai đầu.
Năm 2021, cậu bé bày tỏ mong muốn có em. "Vợ chồng tôi chạnh lòng, lo sau này mình già đi con trai không có người thân, nên quyết định thụ tinh ống nghiệm", chị Mai nói.
Vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) với quyết tâm "có con mà không xin trứng". Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc trung tâm, ở tuổi 44, số lượng và chất lượng trứng của chị Mai đã suy giảm nhiều.
"Tuổi tác là rào cản lớn nhất trong trường hợp này", bác sĩ nói.
Chị Mai được xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp với tình trạng sức khỏe, gom trứng hai chu kỳ, thu được 10 trứng, nuôi cấy thành công 4 phôi ngày 5 và 2 phôi ngày 6. Bác sĩ chuyển một phôi tốt vào giữa năm 2022 giúp chị đậu thai. Tuy nhiên, 3 lần sẩy thai trước đó khiến tâm lý chị bị đè nặng, ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, mất con lần thứ 4.
Cuối năm đó, vợ chồng trở lại IVF Tâm Anh TP HCM khám toàn diện sức khỏe sinh sản, chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện và được tư vấn hỗ trợ cân bằng tâm lý trước khi chuyển phôi. Lần này chị Mai đậu thai, thai kỳ phát triển khỏe mạnh.
Cuối tháng 9, gia đình chị đón con trai thứ hai chào đời, nặng 3,1 kg. Họ hàng nội ngoại vui mừng bởi đứa cháu đặc biệt sau 15 năm chờ đợi. Phấn khởi nhất là cậu bé Lê Đình Tiến (15 tuổi), con trai đầu lòng của chị Mai. "Sau này cháu sẽ dạy em đá bóng, đánh cầu lông...", Tiến nói.
Chị Mai tất bật khi làm mẹ lần hai ở tuổi 45, nhưng luôn có chồng bên cạnh động viên, san sẻ. "Hạnh phúc nhất là những khoảnh khắc nhìn con trai trưởng thành, biết dỗ dành và yêu thương em, dần có trách nhiệm với gia đình", chị nói.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã có con) đang gia tăng 15-20% mỗi năm, chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Bác sĩ Như cho biết ở nữ giới, vô sinh thứ phát do nhiều nguyên nhân như ứ dịch tắc ống dẫn trứng, viêm dính buồng tử cung, polyp trong lòng tử cung; một số trường hợp có thể do nạo phá thai khiến sẹo tử cung và nội mạc mỏng...
Tại IVF Tâm Anh, khoảng 68% phụ nữ vô sinh thứ phát đang được điều trị hỗ trợ sinh sản. Tùy vào nguyên nhân, họ được chỉ định các phương pháp phù hợp như bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), tỷ lệ thành công khoảng 20%; thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với tỷ lệ thành công lên đến 68,5%.
Theo bác sĩ Như, do lão hóa tự nhiên, chất lượng lẫn số lượng trứng và tinh trùng sẽ suy giảm dần, khiến khả năng tạo phôi thấp, nguy cơ phôi bất thường, giảm tỷ lệ thụ thai, tăng khả năng sẩy thai, thai lưu, trẻ sinh ra dị tật.
Do đó, phụ nữ nên mang thai trước độ tuổi 35, giữ khoảng cách giữa những lần mang thai và sinh con khoảng 3-5 năm. Trường hợp vợ chồng sau một năm quan hệ đều đặn (6 tháng đối với nữ giới trên 35 tuổi), không tránh thai nhưng không có thai nên đi khám sức khỏe sinh sản, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ phải xin trứng, tinh trùng.
Hoài Thương
Độc giả đặt câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |