Khi con trai đầu được 11 tuổi, chị Hồng muốn gia đình có thêm thành viên mới nhưng mãi không đậu thai. Vợ chồng chị uống thuốc bồi bổ, thụ tinh nhân tạo (IUI) một lần thất bại. Kinh nguyệt thưa, ít dần, chu kỳ kinh chỉ 2-3 ngày, chị Hồng lo mãn kinh sớm, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), khám tháng 7/2022.
BS.CKI Lê Đức Thắng chẩn đoán chị Hồng vô sinh thứ phát do tắc vòi tử cung. Ngoài ra, bác sĩ phát hiện chị mang gene đột biến tan máu bẩm sinh (thalassemia).
Tắc vòi tử cung (còn gọi là tắc ống dẫn trứng) là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp do những tổn thương như viêm dính, sẹo, ứ dịch..., cản trở trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ thai. Tình trạng này gặp ở khoảng 30-40% trường hợp vô sinh nữ. Tắc vòi tử cung còn có thể khiến hợp tử được thụ tinh không thể di chuyển vào buồng tử cung để làm tổ, dẫn đến phôi làm tổ ngay tại vòi trứng, gây ra tình trạng thai ngoài tử cung nguy hiểm.
Nguyên nhân chủ yếu gây tắc vòi tử cung là nhiễm khuẩn, phổ biến nhất là vi khuẩn lậu và chlamydia. Đây cũng có thể là hậu quả sau can thiệp phẫu thuật trên ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, tiền sử mang thai ngoài tử cung. Một số trường hợp tắc vòi tử cung còn do dị tật bẩm sinh.
Theo bác sĩ Thắng, ở một số người bệnh trẻ tuổi, tắc nghẽn ít xảy ra ở các vị trí dễ can thiệp. Trường hợp này có thể cân nhắc phẫu thuật tái tạo vòi tử cung, tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao và dễ tái phát. Vòi tử cung bị tắc quá nặng, dịch ứ nhiều, không còn hy vọng có thể thụ thai tự nhiên..., bác sĩ chỉ định cắt vòi và hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống nghiệm (IVF). Phương pháp này giúp người phụ nữ mang thai và tránh các nguy cơ chửa ngoài tử cung hay viêm phần phụ cấp tính.
"Với chị Hồng, phẫu thuật cắt vòi trứng và thụ tinh ống nghiệm là cách hiệu quả nhất giúp hai vợ chồng sớm có con", bác sĩ Thắng cho biết.
Chị Hồng được điều trị tình trạng viêm, nấm âm đạo trước khi IVF. Sau khi kích trứng, chị thu được 7 noãn, tạo được 5 phôi chất lượng tốt đem trữ đông. Nhận thấy vòi tử cung đã mất chức năng, việc tạo hình loa vòi không còn khả quan, bác sĩ tiến hành nội soi buồng tử cung kết hợp nội soi ổ bụng cắt hai vòi tử cung của người bệnh.
20 ngày sau phẫu thuật, người bệnh được chuẩn bị niêm mạc phù hợp. Chị Hồng được chuyển phôi vào buồng tử cung và đậu thai ngay. Tháng 9/2023, con trai thứ hai của gia đình chị chào đời khỏe mạnh ở tuần 39, nặng 3,5 kg.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm, chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tại IVF Tâm Anh, khoảng 68% phụ nữ vô sinh thứ phát đang được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng nhiều phương pháp.
Ở nữ giới, vô sinh thứ phát do nhiều nguyên nhân như tắc vòi tử cung và viêm dính buồng tử cung vì các bệnh lây qua đường tình dục, do nạo phá thai hoặc do đặt dụng cụ tử cung để tránh thai trước đó không được vô trùng...
Tắc vòi tử cung như trường hợp chị Hồng thường không biểu hiện triệu chứng đặc biệt, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Các nang trứng vẫn phát triển, quá trình rụng trứng diễn ra bình thường nên người bệnh vẫn có kinh nguyệt. Hầu hết trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi điều trị hỗ trợ sinh sản.
Tùy vào nguyên nhân, những vợ chồng vô sinh thứ phát sẽ được chỉ định các phương pháp hỗ trợ sinh sản gồm bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), với tỷ lệ thành công 20-68%.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên mang thai trước độ tuổi 35, giữ khoảng cách giữa những lần mang thai và sinh con khoảng 3-5 năm. Trường hợp vợ chồng sau một năm quan hệ đều đặn (6 tháng đối với nữ giới trên 35 tuổi), không tránh thai nhưng vẫn không có thai, nên đi thăm khám sức khỏe sinh sản.
Để đảm bảo khả năng làm mẹ, nữ giới nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nạo hút thai... Tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khám phụ khoa khi có các triệu chứng bất thường. Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng giảm nguy cơ hình thành tổn thương và mô sẹo, ngăn tổn thương tăng nặng, giúp bảo tồn khả năng sinh sản, tránh các cuộc phẫu thuật sửa chữa sau này.
Phụ nữ hiếm muộn cần khám, đánh giá vòi trứng trước khi can thiệp các phương pháp hỗ trợ sinh sản; đặc biệt là người có tiền sử viêm nhiễm vùng tiểu khung, từng can thiệp vòi tử cung như mổ tạo hình vòi tử cung, bóc u lạc nội mạc tử cung..., có tiền sử phẫu thuật bệnh lý ổ bụng, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trịnh Mai
* Tên người bệnh đã được thay đổi