Bệnh hen suyễn là một tình trạng phức tạp, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Như nhiều bệnh lý khác, người mắc bệnh hen suyễn khi hiểu về căn bệnh mình đang mắc sẽ có thể tránh những tác nhân làm bệnh thêm trầm trọng. Dưới đây là những điều người bệnh hen suyễn cần lưu ý tìm hiểu.
Bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến phổi
Khi bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn, có 3 thay đổi xảy ra trong phế quản và tiểu phế quản (đường thở) làm gián đoạn luồng không khí đến phổi, gây khó thở. Những thay đổi, bao gồm:
Viêm: đường hô hấp bị viêm và sưng lên khi phản ứng với tác nhân kích thích như phấn hoa, mạt bụi, một loại thực phẩm nhất định hoặc thậm chí là tập thể dục.
Tăng sản xuất chất nhờn: tình trạng viêm, kích ứng làm một số tế bào trong đường thở sản xuất thêm chất nhờn gây tắc nghẽn đường thở vốn đã bị thu hẹp.
Thắt cơ: còn được gọi là co thắt phế quản, là sự thắt chặt của các cơ trơn của đường thở làm cho đường thở hẹp hơn và khiến không khí khó di chuyển ra vào phổi.
Loại thuốc đang dùng
Người bị hen suyễn nhẹ từng cơn chỉ cần một ống hít cứu hộ. Những loại ống hít này được coi là phương pháp điều trị hiệu quả nhanh đối với các triệu chứng cấp tính. Tuy nhiên những người bị hen suyễn nặng sẽ phải dùng steroid dạng hít. Những ống hít này cung cấp phương pháp điều trị chống viêm mạnh để kiểm soát bệnh hen suyễn.
Một số người gặp khó khăn khi sử dụng ống hít dẫn đến không nhận được thuốc hỗ trợ. Trong trường hợp này người bệnh có thể dùng một miếng đệm lót giúp giảm triệu chứng.
Mặt khác, người mắc hen suyễn cũng phải hiểu các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc, chẳng hạn như khàn giọng, đau họng, chóng mặt.
Để có được nhiều lợi ích nhất từ thuốc điều trị hen suyễn, người bệnh nên uống thuốc thường xuyên, đúng toa, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân hen suyễn, khi thấy triệu chứng ít hơn và sức khỏe cải thiện đã tự ý ngưng thuốc. Điều này khiến các triệu chứng thở khò khè, tức ngực, ho quay trở lại nhanh chóng. Theo các chuyên gia, người mắc bệnh nên nhớ rằng, hen suyễn không bao giờ tự mất đi dù các triệu chứng đã cải thiện.
Theo dõi và kiểm soát bệnh
Để kiểm soát tốt bệnh hen suyễn, người bệnh cần theo dõi tình trạng, ghi lại các triệu chứng hoặc lưu lượng đỉnh (tốc độ không khí được thổi ra khỏi phổi). Từ những thông tin trên, người bệnh chia sẻ với bác sĩ để được điều chỉnh phương pháp điều trị.
Những người bị hen suyễn thường bỏ qua việc điều trị khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Thế nhưng triệu chứng nhẹ của hen suyễn cũng có thể gây ra thở khò khè, tức ngực, ho và khó thở hàng đêm. Cứ 4 người mắc hen suyễn thì có 3 người thường xuyên thức dậy vào ban đêm và cũng khoảng 40% người mắc hen suyễn có triệu chứng tiểu đêm.
Chọn vật nuôi
Thú cưng hay các chất gây dị ứng như bụi, phấn hoa, nấm mốc trong môi trường xung quanh là các tác nhân gây kích thích cơn hen. Người mắc bệnh hen suyễn sẽ khó kiểm soát tình trạng bệnh nếu tiếp xúc gần với thú cưng. Tất cả vật nuôi đều rụng lông và lông từ thú cưng của bạn sẽ kích hoạt cơn hen suyễn.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)