Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều tác hại như mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ đột ngột vào ban ngày... Dưới đây là một số dấu hiệu cho biết bạn đang thiếu ngủ.
Suy giảm nhận thức: Thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực đến não, làm suy giảm chức năng não bao gồm khả năng ghi nhớ, tập trung và đưa ra các quyết định. Những người bị thiếu ngủ kinh niên còn có nguy cơ cao bị suy giảm nhận thức khi già đi, bao gồm mắc bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu trên gần 8.000 người trong 25 năm, công bố trên Nature Communications (Mỹ) vào năm 2021 nhận thấy, những người ở độ tuổi 50, 60 ngủ 6 giờ hoặc ít hơn mỗi đêm có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 30% so với những người ngủ trên 7 giờ mỗi đêm.
Tăng cân: Nếu bạn đang tăng cân bất thường mà chưa có lời giải thích, nguyên nhân có thể do thiếu ngủ. Những người không có giấc ngủ chất lượng, hormone cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ, tình trạng thiếu ngủ sẽ gây rối loạn các hormone điều chỉnh thèm ăn và phân hủy glucose, khiến bạn cảm thấy đói hơn. Bạn cũng có cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu calo có nhiều đường và chất béo hơn, làm ảnh hưởng đến việc tăng cân.
Thiếu ngủ cũng có thể thay đổi cách cơ thể dự trữ chất béo từ thức ăn. Nói cách khác, khi bạn thiếu ngủ, cơ thể sẽ tích trữ nhiều chất béo hơn.
Thay đổi tâm trạng: Một dấu hiệu khác của thiếu ngủ là bạn thường xuyên gắt gỏng, khó chịu hơn so với bình thường. Giấc ngủ đóng một vai trò then chốt trong một số chức năng não, điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Vì vậy, khi thiếu ngủ, bạn dễ bị thay đổi tâm trạng hoặc cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc cáu kỉnh.
Giảm khả năng chống nhiễm trùng: Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ, thiếu ngủ có thể khiến bạn bị ốm. Bởi vì trong khi ngủ, cơ thể tự phục hồi và sửa chữa. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Trong khi ngủ, cơ thể tạo ra một lượng lớn các cytokine (protein) tạo ra phản ứng viêm, có thể giúp bạn phục hồi khi ốm, chống nhiễm trùng hoặc bị thương... Nếu bạn mất ngủ, lượng cytokine giảm mạnh, làm khả năng chống nhiễm trùng bị suy giảm.
Bạn có thể giảm tình trạng thiếu ngủ bằng các mẹo sau:
Bám sát lịch trình ngủ: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần và kỳ nghỉ.
Tạo môi trường ngủ ngon: Tắt đèn, tránh âm thanh lớn và giữ cho phòng ở nhiệt độ dễ chịu.
Tập thể dục hàng ngày: Duy trì hoạt động thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, lưu ý không tập thể dục trước giờ đi ngủ.
Thư giãn trước khi đi ngủ: Tắm nước ấm, đọc sách hoặc thực hiện một hoạt động thư giãn khác như thiền.
Không tiêu thụ caffein, nicotin và rượu vào cuối ngày: Những chất này có thể cản trở khả năng đi vào giấc ngủ.
Tránh đồ điện tử ngay trước khi đi ngủ: Đồ điện tử, chẳng hạn như điện thoại hoặc máy tính bảng, có thể cản trở cơ thể sản xuất melatonin, một loại hormone khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Anh Chi (Theo Livestrong)