Theo thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô Hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khi phổi yếu, cơ thể sẽ không hít đủ oxy và loại bỏ được khí CO2, từ đó ảnh hưởng đến tuần hoàn hoặc các bộ phận khác. Các bệnh về phổi như ung thư phổi, là những tổn thương diễn ra trong thời gian dài, tế bào bị biến đổi, khởi phát thành ung thư. Vì vậy nếu phát hiện sớm khi tổn thương đang ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ có cơ hội chữa trị.
Thời điểm khi ngủ vào ban đêm, nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện dưới đây, nguy cơ cao phổi đang bị tổn thương.
Thường xuyên khó thở, tức ngực
Đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng không loại trừ nguyên nhân tiềm ẩn xuất phát từ các vấn đề liên quan tới đường hô hấp, như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, ung thư phổi.

Khó thở vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề ở phổi. Nguồn: istock
Trong đó, viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi, khi phổi bị nhiễm vi khuẩn, virrus hoặc nấm. Ngoài triệu chứng khó thở tức ngực, người bệnh có thể còn bị sốt, ớn lạnh, ho ra đờm, hoặc lẫn máu... Ở người bệnh COPD, đường dẫn khí trong phổi bị viêm và hẹp, lượng oxy đi vào ít hơn và lượng khí carbon dioxide thải ra ngoài ít hơn. Theo thời gian, tình trạng tức ngực, khó thở ngày càng nặng, ảnh hưởng đến những sinh hoạt hàng ngày hoặc thậm chí có thể gây suy hô hấp mạn tính.
Khó thở cũng xảy ra ở người bệnh hen suyễn khi tiếp xúc với một số tác nhân như phấn hoa, lông thú cưng, khói, chất ô nhiễm không khí... đặc biệt gia tăng về đêm. Một tỷ lệ nhỏ khó thở, tức ngực do ung thư phổi, có thể xuất hiện cả ngày và đêm, bên cạnh những triệu chứng khác như khàn tiếng, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Ho nhiều về đêm
Khi ngủ, đường thở có xu hướng thu hẹp, làm tăng sức cản của luồng không khí, gây ho. Một cơn ho kéo dài từ 8 tuần trở lên được coi là mạn tính, đây là triệu chứng phổ biến ban đầu cảnh bảo hệ hô hấp đang gặp vấn đề như ung thư phổi hay các bệnh phổi khác. Theo nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trong số 7.729 bệnh nhân mắc hen suyễn, 74% cho biết họ gặp triệu chứng ho nhiều và thở khò khè vào ban đêm, 64% phàn nàn về việc thức giấc ít nhất 3 lần/tuần và 40% thức giấc hàng đêm.
Các vấn đề liên quan đến giấc ngủ
Thường xuyên tỉnh giấc, khó ngủ lại, buồn ngủ về ban ngày... nguy cơ cao cảnh báo sức khỏe phổi đang gặp vấn đề. Theo nghiên cứu tại Anh dựa trên 1.478 bệnh nhân hen suyễn (bao gồm 831 nữ, 647 nam), cho thấy chất lượng giấc ngủ của họ bị suy giảm. Cụ thể, hơn 80% người bệnh ở mọi lứa tuổi nói rằng họ thỉnh thoảng thức giấc vào ban đêm kèm tiếng thở khò khè, và hơn 30% từng nhóm nam - nữ cho biết họ thường xuyên bị tỉnh giấc không lý do khi đang ngủ.
Tình trạng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cũng bắt gặp ở bệnh nhân COPD. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, COPD ảnh hưởng tới 5% - 10% dân số trưởng thành và là nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Bác sĩ Lã Quý Hương thăm khám cho bệnh nhân hô hấp. Nguồn: BVĐK Tâm Anh
Tình trạng ngủ không đủ giấc, thở ngáy, cơn ngừng thở khi ngủ còn là biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng như tăng huyết áp kháng trị, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não. Bệnh còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Hương nhận định, nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Khi thấy các dấu hiệu dai dẳng về đêm như ho, khó thở, thở khò khè, nặng ngực, ngủ ngáy, các cơn ngừng thở khi ngủ... người bệnh cần tới bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
"Các bệnh lý về đường hô hấp thường tăng trong giai đoạn thời tiết giao mùa, nóng ẩm thất thường. Để giữ phổi luôn khỏe mạnh, mỗi người nên tuân thủ xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tránh xa khói thuốc, ngủ đủ giấc và đeo khẩu trang khi ra ngoài", bác sĩ Hương khuyến cáo.
Mai Linh