ThS.BS Nguyễn Thị Phương - Khoa Cơ xương khớp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết cơ thể hoạt động bình thường, hệ miễn dịch có khả năng nhận biết và tấn công các virus, vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, khi bệnh lý tự miễn xuất hiện, hệ miễn dịch sẽ hoạt động bất thường và tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Từ đó, gây ra một số bệnh lý tự miễn như vảy nến, bệnh mô liên kết và các bệnh lý cơ xương khớp...
Một số bệnh tự miễn nhóm cơ xương khớp có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn dưới cái nắng gay gắt của ngày hè bao gồm:
Lupus ban đỏ hệ thống: Đây là một bệnh lý mạn tính, gây viêm và tổn thương trên diện rộng, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra các vấn đề như đau mạn tính, cứng khớp, mệt mỏi, suy giảm nhận thức và phát ban trên da... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bệnh lupus đặc biệt nhạy cảm với tia UV nên bệnh có xu hướng bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nắng, ấm và nóng hơn. Bác sĩ Phương khuyến cáo, dù chỉ tiếp xúc nhẹ với ánh nắng mặt trời, các tế bào da của người bệnh cũng dễ dàng bị tổn thương và kích hoạt phản ứng miễn dịch toàn thân, làm cho các triệu chứng như sưng đau khớp, mệt mỏi, sốt, phát ban, loét miệng, rụng tóc... trở nên nghiêm trọng hơn.
Thoái hóa khớp: Là một dạng viêm khớp phổ biến, xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đầu xương và các mô xung quanh khớp bị tổn thương. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau cứng khớp, nghe tiếng lạo xạo khi di chuyển, teo cơ, biến dạng khớp. Vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng cao sẽ làm viêm màng hoạt dịch khớp ở những người mắc bệnh thoái hóa khớp. Tình trạng này gây ra triệu chứng tràn dịch khớp, làm người bệnh cảm thấy đau nhiều hơn và có cảm giác như bị sốt, dù thực tế nhiệt độ cơ thể không tăng lên. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm trong ngày hè có thể ảnh hưởng đến sự co giãn của gân và dây chằng bên trong khớp, từ đó gây đau.
Xơ cứng bì toàn thể: bệnh ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não bộ và tủy sống, phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh, làm chậm hoặc mất dẫn truyền xung điện thần kinh. Bệnh gây ra các triệu chứng như tê bì, ngứa, yếu cơ, đi lại hoặc nói khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng, khó khăn trong kiểm soát ruột hoặc bàng quang...
Xơ cứng bì toàn thể cũng là một bệnh lý nhạy cảm với nhiệt độ. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên sẽ làm quá trình truyền tín hiệu thần kinh diễn ra càng chậm hơn, trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
Theo bác sĩ Phương, nhiệt độ, độ ẩm và mồ hôi là những nguyên nhân chủ yếu làm bùng phát các triệu chứng bệnh vào mùa hè. Do đó, trong khoảng thời gian này, người bệnh nên giữ cơ thể khô thoáng, mát mẻ bằng quạt, điều hòa nhiệt độ hoặc tắm nước mát sau khi thực hiện các hoạt động ngoài trời... Bên cạnh đó, bảo vệ da khi ra ngoài cũng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Người bệnh nên hạn chế ra khỏi nhà vào buổi trưa khi trời nắng; nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy sử dụng kem chống nắng phổ rộng, che phủ cơ thể bằng áo khoác, mũ rộng vành, kính râm...
Hiện y học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị dứt điểm các bệnh tự miễn. Do đó, để kiểm soát các bệnh tự miễn cơ xương khớp hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng phát sinh, bác sĩ Phương lưu ý người bệnh nên thực hiện lối sống khoa học và dùng thuốc theo đúng chỉ định. Trong trường hợp các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng, không thể kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ.
Phi Hồng