BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thay đổi nội tiết tố xảy ra do dậy thì, tiền mãn kinh, mãn kinh, lối sống không lành mạnh, môi trường tác động. Mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến dậy thì sớm hoặc lão hóa sớm. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo mất cân bằng nội tiết tố.
Ăn nhiều, tăng cân: Thay đổi nội tiết tố có thể gây tăng cân, nhất là trong giai đoạn mãn kinh. Lượng estrogen giảm nhanh do thay đổi nổi tiết tố tạo cảm giác thèm ăn liên tục, ảnh hưởng đến mức độ hormone leptin.
Hormone leptin tương tác với một số thụ thể vùng dưới đồi như neuropeptide, anandamide giúp ngăn chặn cơn đói, tạo cảm giác no. Khi thiếu hormone leptin, não không nhận được đúng thông tin khiến bạn thèm ăn.
Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt thường khoảng 21-35 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt rối loạn có thể xảy ra nhanh hoặc lâu hơn do một số hormone estrogen, progesterone biến động. Phụ nữ tiền mãn kinh (trước khi mãn kinh ở độ tuổi 40-50 tuổi) thường gặp tình trạng này.
Gặp vấn đề về giấc ngủ: Ngủ không đủ giấc, ngủ không ngon cũng ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể. Ngược lại, nồng độ estrogen thấp có thể gây nóng trong người, đổ mồ hôi đêm, khó ngủ.
Mụn trứng cá mạn tính: Nổi mụn trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt là bình thường, nhưng mụn mọc thường xuyên không theo chu kỳ có thể do các vấn đề về nội tiết tố.
Dư thừa nội tiết tố nam testosterone trong cơ thể phụ nữ khiến tuyến dầu hoạt động quá mức. Ảnh hưởng của nội tiết tố androgen cũng tác động đến các tế bào da trong và xung quanh nang lông, làm tắc nghẽn lỗ chân lông gây mụn trứng cá.
Da khô: Rối loạn nội tiết tố khiến da khô, nhất là trong thời kỳ mãn kinh. Những ngày này, da thường mỏng, khó giữ độ ẩm như bình thường. Một số vấn đề về tuyến giáp cũng làm da khô. Cân nhắc bổ sung nội tiết tố nếu thấy da thay đổi không bình thường.
Hội chứng sương mù não: Estrogen tác động đến các hóa chất trong não gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Hormone estrogen, progesterone thay đổi khiến não khó ghi nhớ mọi thứ hơn. Phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh gặp vấn đề về trí nhớ có thể bổ sung nội tiết tố để cơ thể cân bằng.
Vấn đề về bụng: Estrogen, progesterone trong cơ thể tăng cao ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những dấu hiệu thiếu hụt nội tiết tố, kèm theo mệt mỏi, mụn trứng cá.
Mệt mỏi liên tục: Dấu hiệu phổ biến nhất của sự mất cân bằng nội tiết tố là mệt mỏi. Progesterone dư thừa gây buồn ngủ liên tục. Tuyến giáp tạo ra quá ít hormone là nguyên nhân khiến năng lượng trong̉ dần cạn kiệt.
Đổ mồ hôi đêm: Lượng estrogen thấp gây đổ̉ mồ hôi đêm, thường xảy ra khi phụ nữ mãn kinh.
Thay đổi tâm trạng, trầm cảm: Suy giảm hoặc thay đổi nhanh chóng mức độ hormone có thể làm thay đổi tâm trạng, trầm cảm. Estrogen ảnh hưởng đến các hóa chất quan trọng trong não như serotonin, dopamine, norepinephrine.
Rụng tóc: Hormone estrogen giảm, testosterone thay đổi dẫn đến hiện tượng rụng tóc, tóc mỏng. Rụng tóc xảy ra nhiều khi mang thai, mãn kinh, sau khi dùng thuốc tránh thai.
Nhức đầu: Trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, lượng estrogen suy giảm gây đau đầu thường xuyên. Những cơn đau đầu hay xuất hiện vào cùng một thời điểm mỗi tháng cho thấy mức độ hormone thay đổi. Đây là dấu hiệu phụ nữ nên bổ sung nội tiết tố.
Khô âm đạo, giảm ham muốn: Nếu nồng độ estrogen giảm do mất cân bằng nội tiết tố làm giảm dịch âm đạo, gây căng tức. Thiếu hụt nội tiết tố còn làm mức testosterone thấp hơn bình thường, giảm ham muốn tình dục.
Thay đổi vú: Theo bác sĩ Ngân, phụ nữ nên bổ sung nội tiết tố nữ nếu thấy các thay đổi ở mô vú. Sụt giảm estrogen làm cho mô vú kém dày đặc, gia tăng hormone làm dày mô, thậm chí gây ra các khối u hoặc u nang.
Khát nước: Mức độ estrogen, progesterone đều ảnh hưởng đến lượng nước trong cơ thể. Khát nước cũng là một dấu hiệu cho thấy cơ thể không sản xuất đủ hormone chống lợi tiểu (ADH), giúp giữ lượng nước tốt cho sức khỏe dẫn đến bệnh đái tháo nhạt. Bệnh đái tháo nhạt là tình trạng chất lỏng trong cơ thể mất cân bằng do thiếu arginine vasopressin, gây tiểu nhiều, khát ngay cả khi uống rất nhiều nước.
Bác sĩ Thùy Ngân khuyên người có dấu hiệu bất thường nghi ngờ mất cân bằng nội tiết tố nên đến bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám, điều trị phù hợp.
Mai Hoa
Độc giả có thể đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp.