BS.CKII Trần Thị Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nội tiết tố estrogen không chỉ có tác dụng về sinh lý mà còn liên quan đến sức khỏe và ngoại hình của phụ nữ. Cơ thể bị rối loạn hay thiếu estrogen dễ mắc các bệnh như loãng xương, tim mạch, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, lão hóa sớm...
Phytoestrogen là hợp chất thực vật tự nhiên hoạt động tương tự như estrogen. Phụ nữ có thể bổ sung phytoestrogen thông qua các thực phẩm dưới đây.
Đậu nành giàu protein, vitamin và các khoáng chất thiết yếu, có thể giảm bốc hỏa, ngăn ngừa loãng xương, chống lại các bệnh ung thư do nội tiết tố như ung thư vú. Đậu nành chứa nhiều isoflavone (một loại phytoestrogen) giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu.
Hạt lanh chứa nhiều lignan, một hoạt chất có chức năng tương tự như phytoestrogen. Lignan góp phần giảm nguy cơ ung thư vú, nhất là ở phụ nữ sau mãn kinh.
Hạt mè giàu phytoestrogen, hỗ trợ tăng mức độ estrogen ở phụ nữ mãn kinh. Mỗi ngày ăn khoảng 50 g hạt mè trong 5 tuần không chỉ tăng hoạt động của estrogen mà còn cải thiện mức cholesterol trong máu.
Đậu xanh cung cấp phytoestrogen dồi dào. Giá đỗ là món ăn làm từ đậu xanh cũng bổ sung nhiều chất có lợi giúp tăng cường estrogen cho phụ nữ.
Đậu đen giàu chất xơ, hỗ trợ giảm nồng độ cholesterol trong máu. Loại đậu này cần thiết trong chế độ ăn cân bằng dưỡng chất.
Đậu Hà Lan nhiều dưỡng chất như phytonutrient, vitamin C, chất xơ, magiê, sắt, kali... góp phần bổ sung estrogen.
Quả mọng nước cung cấp cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và phytoestrogen dồi dào. Các loại quả mọng điển hình như dâu tây, việt quất, mâm xôi giúp duy trì hoạt động của nội tiết tố, cải thiện sức khỏe sinh sản.
Tỏi có thể ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể, giảm tình trạng loãng xương do tuổi tác. Ăn tỏi thường xuyên giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim như cholesterol và huyết áp cao, ngăn đông máu.
Trái cây khô cung cấp lượng phytoestrogen lớn cho cơ thể. Loại có nhiều phytoestrogen như quả mơ khô, chà là, mận khô.
Ngũ cốc góp phần cân bằng hormone nhờ phytoestrogen dồi dào. Ngũ cốc nguyên cám có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món khác nhau.
Củ cải đỏ chứa các vi chất làm tăng nội tiết tố cho cơ thể, giàu chất béo, ít calo, carbohydrate tốt cho sức khỏe. Đây là nguồn thực phẩm có quanh năm dễ chế biến.
Súp lơ xanh và các loại rau họ cải như bắp cải, cải brussel và cải xoăn giàu phytoestrogen cao, tác động tích cực đến hoạt động của estrogen.
Bí đao có tính mát, vị ngọt nhạt, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc... Bí đao cung cấp lượng lớn estrogen hỗ trợ cải thiện tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi của phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Hạt dẻ cười và các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, đậu phộng nhiều phytoestrogen, tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, chúng lại nhiều calo và chất béo nên ăn với lượng vừa phải.
Cá hồi giàu vitamin D kích thích sản xuất estrogen. Hàm lượng amino axit và omega 3 trong cá hồi còn hỗ trợ hình thành protein, ổn định nội tiết tố trong máu và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Theo bác sĩ Ngân, ngoài bổ sung thực phẩm giàu estrogen, phụ nữ nên điều chỉnh lối sống, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng, ăn uống lành mạnh... để cân bằng nội tiết tố.
Mai Hoa
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |