Đường huyết cao có thể gây ra các biến chứng tiểu đường như bệnh tim, thận, thần kinh. Để ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến, người bệnh nên chọn thực phẩm phù hợp. Dưới đây là 15 món ăn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2.
Quả bơ
Bơ cung cấp chất béo không bão hòa đơn có tác dụng bảo vệ tim, giảm cholesterol xấu (LDL). Người bệnh tiểu đường nên ưu tiên ăn uống có lợi cho tim vì có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn bình thường.
Bơ chứa nhiều chất xơ và ít đường, không làm tăng đường huyết và tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, bơ có lượng calo cao, người bệnh nên ăn vừa phải.
Dâu tây
Các vitamin và khoáng chất trong dâu tây như vitamin C, kali, magiê tốt cho sức khỏe. Chất chống oxy hóa trong quả này có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm chậm một số loại tổn thương tế bào - nguyên nhân dẫn đến tiểu đường và bệnh tật nói chung.
Hạt quả óc chó
Quả óc chó cung cấp axit béo omega-3, chứa nhiều protein, magie và sắt tốt cho tim mạch. Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học California, Mỹ và một số đơn vị, trên hơn 34.000 người, chế độ ăn gồm nhiều quả óc chó thường xuyên giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường.
Hạt chia
28 g hạt chia chứa 138 calo, khoảng 5 g protein, 12 g carbohydrate và gần 10 g chất xơ, cùng nhiều vitamin, khoáng chất như canxi, sắt, magie có lợi cho người tiểu đường.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Toronto, Canada, cùng một số đơn vị, trên 77 bệnh nhân tiểu đường type 2 thừa cân hoặc béo phì, cho thấy ăn hạt chia giúp giảm cân, cải thiện các yếu tố nguy cơ liên quan đến béo phì, hỗ trợ duy trì đường huyết ở mức tốt.
Hạt lanh
Hạt lanh chứa chất béo không bão hòa đa, axit béo omega-3 và omega-6 tốt cho tim. Chất chống oxy hóa trong hạt lanh làm giảm cholesterol, hỗ trợ duy trì đường huyết ở mức bình thường.
Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Brasília, Brazil, 19 người bệnh tiểu đường ăn hạt lanh trước bữa sáng có khả năng ngăn đường huyết tăng đột biến sau ăn sáng.
Đậu
Đậu cung cấp protein, khoáng chất, vitamin và chất xơ. Protein trong 1/2 cốc đậu (125 g) tương đương với lượng protein trong 28 g thịt nhưng đậu không chứa chất béo bão hòa như thịt, thích hợp cho người bệnh tiểu đường.
Phân tích tổng hợp năm 2020 của Đại học Sydney, Australia, dựa vào 18 nghiên cứu, trên hơn 900 người, chỉ ra tiêu thụ đậu thường xuyên giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và cải thiện kiểm soát đường huyết.
Rau lá xanh
Rau xanh giàu vitamin và khoáng chất, nhiều chất xơ ít tác động đến lượng đường trong máu. Rau bina (rau chân vịt), cải xoăn, cải rổ chứa vitamin A , C, E và K, sắt, kali, canxi tốt cho quản lý bệnh tiểu đường.
Bông cải xanh
Bông cải xanh không chứa tinh bột, chứa chất phytochemical, chất xơ và vitamin tốt. Hàm lượng carbohydrate và calo của bông cải xanh thấp nên không tác động đến đường huyết.
Bí đao
Bí đao cũng không chứa tinh bột, ít calo, nhiều chất xơ nên ít làm tăng đường huyết. Rau này còn chứa chất chống oxy hóa, vitamin C, kali và magiê có lợi cho người mắc tiểu đường.
Tỏi
Tỏi tốt cho tim mạch, giảm huyết áp và cholesterol. Theo phân tích tổng hợp năm 2017 của Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc, dựa vào 9 nghiên cứu, trên 768 bệnh nhân tiểu đường type 2, ăn tỏi thường xuyên cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu.
Dầu ô liu nguyên chất
Đây là nguồn chất béo không bão hòa đơn có tác dụng bảo vệ tim và làm giảm cholesterol xấu. Phân tích năm 2017 của Đại học Vienna, Áo và một số đơn vị, dựa vào 33 nghiên cứu, trên hơn 14.700 người, cho thấy dầu ô liu nguyên chất có thể ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.
Giấm
Năm 2018, đánh giá hai nghiên cứu, các nhà khoa học Đại học Duke-NUS, Singapore và Bệnh viện Sick Kids, Canada, chỉ ra tiêu thụ giấm trong 8-12 tuần làm giảm mức A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng).
Trứng
Trứng giàu protein và vitamin, chứa chất béo có lợi cho tim. Chất béo không bão hòa đa trong trứng có thể giảm cholesterol LDL, hạn chế nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Đại học British Columbia, Canada, 23 người bệnh tiểu đường ăn trứng cùng bữa sáng rất ít carbohydrate giảm đường huyết sau ăn, họ cũng có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn cả ngày.
Cá béo
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, cá béo như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao có công dụng giảm viêm và nguy cơ bệnh tim. Để tránh thừa calo, người bệnh nên chế biến cá hấp, nướng, nấu chín thay vì chiên rán.
Người bệnh nên ăn cá béo hai lần mỗi tuần hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và có lợi ích cho sức khỏe.
Sữa chua
Sữa chua cung cấp vitamin D và canxi, có hàm lượng protein cao, hỗ trợ quản lý bệnh tiểu đường. Đánh giá năm 2016 của Đại học Liên bang Goiás, Brazil, trên 121 nghiên cứu, cho thấy sữa chua chứa men vi sinh giúp vi khuẩn tốt trong đường ruột phát triển, có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát tiểu đường type 1 và type 2.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |