Chị Nguyễn Ngọc Lan (ngụ Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám vào đầu tháng 12 khi ngực căng tức, khó chịu. Bác sĩ siêu âm phát hiện 13 khối u nằm rải rác hai bên ngực, lớn nhất 30 mm, nhỏ nhất 3 mm. PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp) nhận định, đây là trường hợp có số lượng u vú nhiều, hiếm gặp.
Các bác sĩ thực hiện thủ thuật sinh thiết hút chân không (VABB) để cắt, hút lấy toàn bộ khối u nhằm bảo tồn chức năng tuyến vú và thẩm mỹ vùng ngực. Sau can thiệp, chị được xuất viện ngay trong ngày.
"Chúng tôi tận dụng một đường đưa kim để lấy được nhiều khối u nhất có thể. Trong một giờ, 13 khối u đã được lấy ra hoàn toàn với 5 lần chọc kim. Vết kim nhỏ, sẽ tự liền lại và không gây sẹo, đảm bảo nguyên vẹn dáng ngực cho bệnh nhân", Phó giáo sư Xuân Hiền nói.
Chị Lan kể từng phát hiện u vú năm 2021, khi đó chỉ có 4 khối u lành tính nên chị không điều trị. Do Covid-19 bùng phát, chị bỏ dần lịch tái khám.
Tháng 10/2022, thấy trên bầu ngực nổi lên nhiều cục lớn nhỏ, chị đến bệnh viện gần nhà khám thì phát hiện số lượng u tăng gấp 3 lần. Bác sĩ cho biết để loại bỏ hết u cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô vú nhưng chị ngần ngại. "Tôi chưa chồng con, sợ mổ rồi ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là cho con bú sau này", chị tâm sự. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị được điều trị theo phương pháp bảo tồn tuyến vú.
Phó giáo sư Xuân Hiền cho biết, bảo tồn thẩm mỹ là xu hướng điều trị được ưu tiên lựa chọn ở bệnh nhân mắc u vú, nhất là phụ nữ trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Hiện nay, các tổn thương lành tính như u xơ, u nang, áp xe vú có thể điều trị triệt để, ít xâm lấn bằng sinh thiết hút chân không (VABB) không cần phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú, bảo tồn tối đa nhu mô vú lành, không để lại sẹo.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đối với ung thư vú giai đoạn sớm, việc điều trị vẫn ưu tiên triệt căn ung thư, tuy nhiên có thể điều trị bảo tồn tuyến vú để đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh. Thay vì cắt bỏ toàn bộ tuyến vú như trước đây, bác sĩ có thể khoanh vùng, cắt bỏ toàn bộ khối u và mô lành xung quanh. Nhờ đó, bệnh nhân được bảo tồn phần tuyến vú lành, giữ hình dáng ngực tự nhiên. Phương pháp này có thể được phối hợp với các phương pháp không phẫu thuật khác như hóa trị, xạ trị, nội tiết, thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch... tùy vào từng giai đoạn bệnh, đặc điểm của khối u, tuổi và thể trạng người bệnh.
"Ung thư vú chỉ có thể điều trị bảo tồn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa di căn. Do đó, tầm soát phát hiện sớm ung thư vú là yếu tố quan trọng hàng đầu", Tiến sĩ Hữu Khiêm nhấn mạnh.
Theo Phó giáo sư Xuân Hiền, chất lượng sàng lọc ung thư vú tại Việt Nam ngày càng tiến bộ. Sự kết hợp giữa chẩn đoán hình ảnh và can thiệp vú có thể phát hiện chính xác ung thư vú. Hệ thống máy siêu âm, chụp X-quang, MRI tuyến vú với nhiều cải tiến về chất lượng hình ảnh, giúp bác sĩ phát hiện sớm tổn thương vú rất nhỏ, thậm chí chỉ vài milimet, chưa gây ra triệu chứng. Nếu tổn thương nghi ngờ ác tính, kỹ thuật VABB giúp lấy trọn khối u để làm giải phẫu, không bỏ sót tế bào ung thư. Sự kết hợp này đã giúp nhiều người phát hiện bệnh giai đoạn sớm.
Ung thư vú là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất ở phụ nữ. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên tự khám vú hàng tháng sau khi sạch kinh 5 ngày; từ 20-30 tuổi nên khám tầm soát ung thư vú mỗi 3 năm một lần, từ 40 tuổi nên tầm soát hàng năm bằng siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh. Ung thư vú có thể điều trị triệt căn, với tỷ lệ sống trên 5 năm đến 90% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
|
Hoài Phạm