Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ung thư vú ở phụ nữ trên thế giới. Trong quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, các tế bào trải qua những thay đổi bất thường, dễ dẫn đến đột biến. Phụ nữ từ 50 tuổi trở lên thường đối mặt với bệnh lý ung thư này.
Hiếm khi phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú trước 40 tuổi và cơ hội mắc bệnh sẽ tăng theo mỗi 10 năm. Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ) ước tính, cứ trung bình 8 phụ nữ, có một người có khả năng bị ung thư vú. Một trên 800 nam giới trưởng thành cũng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Xét theo độ tuổi, tỷ lệ phái nữ được chẩn đoán nguy cơ bệnh lý cũng tăng dần: nhóm tuổi 30 là 0,5%, 40 tuổi là 1,6%, độ tuổi 50 khoảng 2,4%, 3,5% ở giai đoạn 60 tuổi và 4% khi 70 tuổi.
Theo Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ), có 5% phụ nữ ở độ tuổi dưới 40 mắc ung thư vú. Việc chẩn đoán ở giai đoạn này khá khó khăn, do nhóm tuổi này có kết cấu mô vú dày đặc hơn so với nhóm lớn tuổi. Phụ nữ trẻ thường ít để ý đến các khối u ở vú vì rủi ro không đáng kể. Tuy nhiên, loại ung thư này xảy ra ở nhóm dưới 40 tuổi lại có xu hướng ác tính và ít đáp ứng điều trị cùng rủi ro bị đột biến gene trong quá trình điều trị. Để phát hiện kịp thời, chị em được khuyến nghị nên chủ động thực hiện sàng lọc đột biến gene BRCA ở độ tuổi 25.
Nữ giới 40-50 tuổi nên tầm soát ung thư bằng chụp quang tuyến vú khi nhận thấy một số bất thường ở vùng ngực. Tùy thể trạng, một số dấu hiệu sau có thể giúp bạn nhận biết cơ học khi "núi đôi" có vấn đề: tự sờ hoặc kiểm tra y tế có một (hoặc nhiều bướu) ở vú, tiết dịch đầu vú, đau khu trú, và da vùng vú bị biến đổi.
Bên cạnh yếu tố tuổi tác, chị em cũng nên lưu ý kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh có thể gây ra bởi các yếu tố không thể thay đổi sau đây:
Đột biến gene: Phụ nữ được chẩn đoán mang hai gene BRCA1 và BRCA2, chiếm 10% các ca ung thư vú do di truyền. Đột biến xảy ra ở những gene này còn làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Kết cấu mô vú: Mô vú có kết cấu dày đặc khiến các khối u khó phát hiện trên phim X-quang tuyến vú hơn.
Tiền sử mắc các bệnh ở vú: Người có tiền sử ung thư vú hoặc các bệnh ở vú (không phải ung thư, như tăng sinh tế bào dư thừa mô vú) cũng thuộc nhóm nguy cơ cao bị ung thư vú trong tương lai.
Bệnh sử gia đình: Gia đình có người thân mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
Tiền sử thai sản: Cơ thể bị tác động bởi nội tiết tố trong thời gian dài như: có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn sau 55 tuổi.
CDC cũng nêu ra nhóm yếu tố nguy cơ gây ung thư vú có thể được kiểm soát và phòng ngừa như lối sống ít vận động thể chất, người bệnh béo phì, người hay uống đồ uống có cồn hoặc hút thuốc lá...
Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có lượng estrogen trong cơ thể cao hơn mức cho phép. Hormone estrogen vẫn được lưu trữ và sản xuất trong mô mỡ khi bạn đã mãn kinh, có thể khiến một số loại ung thư vú phát triển và di căn. Nếu đang có xu hướng thừa cân hoặc đang được chẩn đoán bị béo phì, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn kế hoạch giảm cân phù hợp.
Ngoài ra, người có tiền sử sử dụng liệu pháp hormone thay thế trên 5 năm (như liệu pháp estrogen, progesterone hoặc dùng thuốc tránh thai lâu dài) cũng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú. Tăng cường vận động cơ thể, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh liệu pháp hormone thay thế và hạn chế sử dụng rượu bia giúp phòng và giảm rủi ro.
Viết Tú
(Theo Very Well Health)