ThS.BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, Alzheimer trong tương lai. Dưới đây là 13 cách giúp cải thiện trí nhớ.
Vận động: Tập thể dục khoảng ba buổi một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút tăng cường tuần hoàn máu lên não, cải thiện giảm trí nhớ. Những môn thể thao có lợi cho trí nhớ như nhảy hiện đại, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, cầu lông, nhảy dây.
Rèn luyện trí não: Tạo thói quen ghi chép các sự kiện quan trọng, thường xuyên hồi tưởng sự việc đã qua, liên tưởng một số sự vật mang tính tương đồng để não bộ phản ứng linh hoạt hơn. Mỗi ngày rèn luyện trí não 15 phút, ít nhất 5 lần một tuần để có hiệu quả cao.
Thiền: Thiền định được chứng minh tác động giúp cải thiện chức năng hoạt động của não bộ, trong đó có tình trạng giảm trí nhớ. Người tập thiền thường xuyên có khả năng xử lý vấn đề nhạy bén, trí nhớ tốt hơn người không thiền định.
Ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi ngày): Khi ngủ, hệ thống giải phóng chất thải glymphatic trong não bộ loại bỏ chất có hại khỏi hệ thần kinh trung ương. Não bộ xóa bớt các thông tin có nguy cơ làm rối loạn hệ thần kinh khi ngủ.
Giảm tiêu thụ đường: Kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể có thể ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Alzheimer, trong đó có suy giảm trí nhớ. Nên ưu tiên sử dụng thực phẩm có đường tự nhiên (củ quả, trái cây), hạn chế loại chứa nhiều đường như bánh ngọt, nước ngọt đóng chai.
Kiểm soát lượng calo phù hợp: Thực phẩm giàu calo thường ít chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ. Giảm đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga, mỡ động vật góp phần bảo vệ sức khỏe não bộ.
Uống caffeine khi cần: Tiêu thụ 200 mg caffeine mỗi ngày hỗ trợ khả năng ghi nhớ. Người mắc bệnh về huyết áp, tim mạch, rối loạn thần kinh hoặc dị ứng với caffeine cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bổ sung chocolate đen: Chocolate đen (35-90% ca cao) chứa nhiều flavonoid có khả năng làm tăng lưu lượng máu cung cấp cho não. Cần phân biệt chocolate đen và chocolate thông thường. Những loại chocolate thêm nhiều sữa, hương vị thường có hàm lượng đường cao, nhiều chất béo xấu gây hại cho sức khỏe.
Tránh căng thẳng, stress: Xem phim, nghe nhạc mỗi buổi tối, gặp gỡ bạn bè khi rảnh rỗi, chăm sóc cơ thể tại spa định kỳ... để thư giãn. Duy trì lối sống tích cực, hạn chế stress tốt cho não.
Không lệ thuộc thiết bị công nghệ: Lạm dụng thiết bị thông minh trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trí não. Nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để tư duy chủ động, chỉ sử dụng thiết bị công nghệ khi cần thiết.
Học nhạc hay ngôn ngữ mới: Người thường xuyên tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ có nguy cơ mất trí nhớ ở tuổi già thấp hơn người khác. Người có sở thích nghe nhạc, chơi một nhạc cụ nào đó, nguy cơ mất trí nhớ giảm đáng kể.
Chơi trò chơi trí tuệ: Nhắc lại từ ngữ, hình ảnh dễ lãng quên bằng các trò chơi trí tuệ giúp làm mới cấu trúc não, từ đó cải thiện trí nhớ. Rèn luyện khả năng ghi nhớ, tư duy bằng cách thường xuyên chơi cờ tướng, cờ vua, lắp ráp lego, đoán chữ cái.
Duy trì giao tiếp xã hội: Hòa nhập và thích nghi với xã hội kích thích hoạt động nhận thức như suy nghĩ, trực giác, suy luận. Giao tiếp thường xuyên còn tạo điều kiện liên kết mới hình thành trong não, cải thiện trí nhớ.
Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, chất béo tốt. Bổ sung hoạt chất thiên nhiên như anthocyanin, pterostilbene chiết xuất từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả)... hỗ trợ tăng cường trí nhớ.
Theo bác sĩ Trung tầm soát suy giảm trí nhớ định kỳ giúp sớm phát hiện và làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Mỗi gói tầm soát, từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu phù hợp với nhu cầu, tình trạng sức khỏe của từng người. Người có các dấu hiệu hay quên hoạt động quen thuộc, quên đường đi, khó ghi nhớ.... nên khám chuyên khoa thần kinh.
Trúc Quỳnh
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp.