Chị Chi, ngụ Quy Nhơn, đã điều trị đông và tây y, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, châm cứu... bệnh nặng dần 5 năm nay nhưng không phẫu thuật vì lo biến chứng liệt vĩnh viễn. Mới đây, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, kết quả chụp MRI cho thấy thoát vị đĩa đệm L4 - L5 (vị trí đốt sống lưng thứ 4 và thứ 5). Nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí ban đầu và vỡ ra, chui vào ống sống. Khối này chèn ép rễ thần kinh, làm giảm đường kính của ống sống, gây hẹp ống sống và các triệu chứng đi kèm.
Ngày 29/8, BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rất nhiều người bệnh thoát vị đĩa đệm giống chị Chi, cố chịu đựng cơn đau và tê yếu trong thời gian dài vì sợ mổ, dẫn đến bệnh ngày càng nghiêm trọng.
"Nếu không sớm điều trị, người bệnh có nguy cơ liệt hoàn toàn, đại tiểu tiện không kiểm soát", bác sĩ Xuân Anh nói.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật ít xâm lấn cho chị Chi bằng phương pháp bắt vít cột sống qua da và lấy đĩa đệm qua ống nong để khôi phục khả năng vận động. Bắt vít cột sống qua da là kỹ thuật sử dụng đinh chuyên dụng để nẹp giữ đốt sống bị tổn thương, giúp người bệnh lấy lại thăng bằng, hết triệu chứng bệnh. Lấy đĩa đệm qua ống nong giúp loại bỏ toàn bộ đĩa đệm và mảnh rời, vòng xơ, sụn... ra khỏi cơ thể, giải phóng rễ thần kinh. Sau đó, bác sĩ hàn xương liên thân đốt sống, chèn đĩa đệm và xương nhân tạo vào để làm vững cột sống, ngăn bệnh tái phát.
Bác sĩ sử dụng hệ thống kính vi phẫu Zeiss phóng to vị trí đốt sống cần phẫu thuật và các cấu trúc khác. Hệ thống chụp X-quang liên tục trong lúc mổ C-Arm giúp giữ cho vít, ống nong... tiếp cận đúng vị trí. Dao cắt siêu âm cảnh báo bác sĩ nếu chạm vào thần kinh, tủy sống.
Ngày đầu sau phẫu thuật, chị Chi có thể đi đứng nhẹ nhàng, không cần dụng cụ hỗ trợ. Vết mổ nhỏ khoảng 2-3 cm, ít tổn thương mô mềm, cơ bắp và thần kinh xung quanh nên người bệnh ít đau, phục hồi nhanh hơn.
Bác sĩ Xuân Anh cho biết nhiều người bị thoát vị đĩa đệm trì hoãn phẫu thuật vì lo ngại biến chứng nguy hiểm như đau, tê yếu chân, tàn phế... Hiện tỷ lệ điều trị bệnh thành công hơn 90%, giảm tối đa nguy cơ tổn thương và biến chứng. Người bệnh nên phẫu thuật cột sống nếu có chỉ định của bác sĩ, nhất là người trẻ tuổi, có nhu cầu vận động cao, tránh nguy cơ liệt chi.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |