Hệ nội tiết bao gồm một chuỗi các cơ quan, các tuyến có nhiệm vụ sản xuất và bài tiết các hormone (nội tiết) mà cơ thể sử dụng cho các chức năng khác nhau. Trong cơ thể có khoảng 50 loại hormone hỗ trợ trao đổi chất, tăng trưởng, phát triển, chức năng tình dục, sinh sản, giấc ngủ, tâm trạng, huyết áp, cân bằng nội môi.
BS.CKI Phan Thị Thùy Dung (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, rối loạn nội tiết khi có quá nhiều hoặc quá ít hormone trong máu gây ra các triệu chứng như: thay đổi cân nặng, giảm ham muốn tình dục, mụn trứng cá... Các triệu chứng phụ thuộc vào loại hormone gây mất cân bằng. Tình trạng này ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể. Do đó, người bệnh cần được điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Các tuyến nội tiết sản xuất hormone bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tùng, buồng trứng, tinh hoàn. Theo bác sĩ Thùy Dung, có nhiều loại rối loạn nội tiết khác nhau tùy theo tuyến nội tiết, các loại hormone liên quan của từng tuyến. Một số tình trạng bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết bao gồm:
Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao do cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc kém đáp ứng insulin làm tăng lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ dẫn đến các triệu chứng như: tăng khát, tiểu nhiều, nhanh đói, thay đổi cân nặng, vết loét lâu lành, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hay bàn chân, mệt mỏi, mờ mắt.
Bệnh cường giáp: Bệnh xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Hormone tuyến giáp giúp điều chỉnh sử dụng năng lượng trên toàn cơ thể. Người bệnh cường giáp thường gặp các triệu chứng như: nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó ngủ, hồi hộp, mệt mỏi, tiểu nhiều, giảm cân, thèm ăn, bướu cổ.
Bệnh suy giáp: Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Đây là bệnh rối loạn tuyến giáp phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe với các triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, nhạy cảm với lạnh, chậm nói, sụp mí mắt, sưng mặt, da khô, nhịp tim chậm, chuột rút cơ bắp, lú lẫn, táo bón, tăng cân...
Hội chứng Cushing: Người mắc hội chứng Cushing khi cơ thể có quá nhiều hormone cortisol. Cortisol giúp cơ thể phản ứng với căng thẳng, điều hòa quá trình trao đổi chất, ổn định huyết áp. Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, người bệnh có thể tăng cân, teo cơ tay chân, tích tụ mỡ giữa hai vai, yếu cơ, mờ mắt, giảm khả năng sinh sản và ham muốn tình dục, mệt mỏi, da dễ bị bầm tím...
Bệnh to đầu chi: Cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng dễ dẫn đến sự phát triển bất thường của xương, các cơ quan, các mô khác xung quanh cơ thể. Các triệu chứng thường gặp của to đầu chi bao gồm: bàn tay hoặc bàn chân to, các đặc điểm trên khuôn mặt thay đổi (hàm nhô ra, da dày hoặc khô...), đổ nhiều mồ hôi và mùi cơ thể, giọng trầm hơn.
Hội chứng buồng trứng đa nang: Cơ thể mất cân bằng nội tiết sinh sản gây ảnh hưởng đến buồng trứng xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như: chu kỳ kinh nguyệt không đều, nổi mụn, rụng tóc, tăng cân hoặc khó giảm cân, sạm da...
Dậy thì sớm: Tuyến yên giải phóng hormone giới tính sớm, dẫn đến dậy thì sớm.
Suy tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận hoạt động kém khiến cơ thể sản xuất không đủ hormone cortisol gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Suy và cường tuyến yên: Tuyến yên trong cơ thể sản xuất không đủ hormone gây suy tuyến yên. Ngược lại tuyến yên sản xuất hormone dư thừa cho cơ thể dẫn đến cường tuyến yên.
Rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám, tìm ra nguyên nhân, có phương pháp điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Mai Hoa
d