BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân chính xác gây ung thư phổi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng khả năng mắc loại ung thư này.
Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Hút thuốc lá có thể bao gồm chủ động và thụ động (hít phải khói thuốc của người hút thuốc lá). Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi khá rõ ràng. Tuy nhiên, có hay không sự khác biệt về mặt sinh học giới tính giữa nam và nữ khi xét đến nguy cơ mắc ung thư phổi do hút thuốc lá vẫn còn là vấn đề tranh cãi, theo bác sĩ Thanh.
Môi trường sống và yếu tố nghề nghiệp: Người làm trong môi trường tiếp xúc với chất amiăng (được sử dụng trong vật liệu xây dựng) và radon (khí phóng xạ tồn tại tự nhiên trong không khí) có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.
Tuổi và tiền sử bệnh: Nguy cơ phát triển khối u ác tính ở phổi tăng lên khi già đi. Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở độ tuổi trên 60. Người có tiền sử bệnh phổi như khí phế thủng, xơ phổi... cũng làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này.
Bác sĩ Thanh cho biết riêng phụ nữ trải qua giai đoạn thay đổi nội tiết tố và sử dụng liệu pháp hormone dễ mắc ung thư phổi hơn. Estrogen là nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vẻ đẹp của người phụ nữ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc năm 2017 đã tìm thấy mối liên hệ giữa estrogen và sự phát triển của ung thư phổi. Thay đổi nồng độ estrogen làm ảnh hưởng đến độ đàn hồi của mô phổi, ức chế sự di chuyển của tế bào ung thư, góp phần tiến triển ung thư phổi. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng độc lập hay tương tác với tình trạng hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu của Cơ quan Tổ chức Hành động vì sức khỏe phụ nữ Mỹ (Women’s Health Initiative) năm 2015 cho thấy phụ nữ sau mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone thay thế kết hợp estrogen và progesterone sau khi mắc ung thư phổi có nguy cơ tử vong cao hơn.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo người lớn không nên hút thuốc lá, thay vào đó nên duy trì lối sống lạc quan và sinh hoạt lành mạnh để giảm nguy cơ ung thư phổi. Tầm soát ung thư phổi định kỳ mỗi năm bằng chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (Low-dose computed tomography - LDCT) cũng giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến. Globocan ghi nhận có khoảng 2.480.000 ca mới mắc và 1.820.000 ca tử vong do ung thư phổi trên thế giới năm 2022. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ ba trong những loại ung thư thường gặp, ở cả nam lẫn nữ.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |