Theo Globocan 2020, ung thư thực quản là bệnh ung thư gây tử vong phổ biến thứ 6 trên thế giới và thứ 9 tại Việt Nam. Ung thư thực quản xuất hiện khi các tế bào của thực quản phát triển bất thường, khó kiểm soát. Bệnh gồm hai dạng chính là ung thư biểu mô tế bào gai (còn gọi là tế bào vảy) và ung thư biểu mô tế bào tuyến. Các dạng ung thư thực quản ít gặp khác như sarcoma, lymphoma, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, melanoma...
BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên, khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư thực quản chưa xác định rõ nguyên nhân. Song, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thói quen ăn uống, lối sống: Những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống không khoa học, thói quen nhai trầu cau... Việc thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chứa nitrosamin như dưa muối, cá muối, thực phẩm đóng hộp... cũng tăng nguy cơ mắc bệnh này. Thói quen chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao (trên 60 độ C) cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào gai thực quản.
Bệnh lý dạ dày, thừa cân - béo phì: Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào tuyến thực quản cao hơn người bình thường. Người thừa cân, béo phì thường có khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cao cũng tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Nhiễm virus HPV: Nhiễm virus u nhú ở người (HPV) dẫn đến những thay đổi mô ở thanh quản, hốc miệng, bộ phận sinh dục... Cơ chế của HPV dẫn đến ung thư thực quản vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng có thể liên quan đến bệnh Barrett thực quản.
Yếu tố di truyền: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi, Tylosis (một bệnh lý di truyền hiếm gặp gây dày sừng da lòng bàn tay, bàn chân)... cũng liên quan đến nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Tiền căn bệnh lý ung thư khác: Người mắc các bệnh ung thư vòm hầu, hốc miệng, khẩu hầu, ung thư thanh quản, ung thư phổi... có nguy cơ ung thư thực quản cao hơn bình thường.
Các bệnh lý hoặc tổn thương thực quản khác như bệnh Achalasia (co thắt tâm vị) hoặc bị bỏng thực quản do hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản gấp nhiều lần.
Dấu hiệu và cách điều trị
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm ung thư thực quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Phần lớn người bệnh được phát hiện khi ung thư đã đến giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn cuối, với những dấu hiệu có thể gặp như nuốt nghẹn, nuốt khó. Tình trạng nuốt khó có thể đi kèm với dấu hiệu sụt cân. Một số người cảm thấy đau tức vùng ngực sau xương ức, dễ nôn ói trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn, tăng tiết nước bọt. Khi khối u đã xâm lấn các cơ quan khác, người bệnh có thể gặp triệu chứng ho, khó thở, khàn tiếng, đau ngực, đau bụng, đau xương...
Các phương pháp cận lâm sàng có thể được thực hiện trong quá trình chẩn đoán ung thư thực quản bao gồm: nội soi thực quản (nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng hoặc nội soi thực quản kết hợp với siêu âm qua đầu dò nội soi), chụp cắt lớp vi tính (CT-scan); chụp MRI não, xạ hình xương, PET/CT, nội soi ổ bụng, nội soi lồng ngực...
Bệnh được phát hiện chủ yếu ở giai đoạn muộn gây khó khăn trong điều trị, tốn kém, tiên lượng sống thấp. Tùy theo giai đoạn bệnh, tiên lượng sống sau 5 năm khác nhau. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi ung thư còn giới hạn trong lớp niêm mạc, hiệu quả điều trị cao với tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 80%.
Việc chọn phương pháp điều trị cũng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp các biện pháp điều trị gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hóa-xạ trị đồng thời, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích. Kết quả điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ đáp ứng của điều trị.
Bác sĩ Nguyên khuyên mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, khám bệnh sớm khi có những dấu hiệu bất thường để tăng cơ hội sống. Mỗi người nên chủ động phòng ngừa ung thư thực quản bằng chế độ ăn khoa học (ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế thực phẩm lên men, muối chua, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn); không sử dụng thuốc lá, rượu bia; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng; tiêm vaccine phòng HPV...
Hạnh Nguyễn