Mỗi khi nó về nghề y, tôi thường nghe người ta bảo nhau rằng: "Tôi chưa thấy bác sĩ nào nghèo cả". Tôi cũng thấy vậy, đúng là tôi chưa gặp một bác sĩ nào nghèo. Bởi lẽ, theo tiêu chuẩn, hộ nghèo là hộ có thu thập bình quân đầu người một tháng dưới 1,5 triệu đồng ở nông thôn và dưới hai triệu đồng ở thành thị. Còn với bác sĩ, tôi nghe các đàn anh, đàn chị bảo rằng lương tháng đâu đó cũng được những hơn 3-4 triệu đồng. Trên ngưỡng nghèo đó thôi!
Nói cho vui vậy, chứ thật sự, nếu nhìn nhận một cách công tâm, tôi thấy lương bác sĩ chỉ "đủ ăn" là giỏi. "Đủ ăn" ở đây là theo nghĩa làm được bao nhiêu thì gói ghém ăn dè hài tiện bấy nhiêu cho đừng để thiếu, vậy thôi.
Vậy cứ làm bác sĩ là giàu có sao?
Tôi gặp nhiều bác sĩ giàu lắm: giàu lòng nhân ái và dư dả nhiệt huyết với nghề. Ngoài ra, chuyện tiền bạc thì tôi không chắc. Các anh chị, bạn bè của tôi làm bác sĩ, nếu có nhà lầu, xe hơi, thì một là do ba mẹ họ giàu có sẵn, hai là họ có nghề tay trái ăn nên làm ra tiền. Tất nhiên, với những người "cày cuốc" 12-16 tiếng một ngày, việc họ có thêm đồng này đồng nọ cũng là chuyện đương nhiên, đó là phần thưởng xứng đáng cho sự siêng năng của họ. Còn mấy mấy chú, mấy bác cống hiến gần cả đời cho y học, cho bệnh viện, bệnh nhân, việc bậc lương của họ tăng lên cũng là lẽ thường như bao ngành khác.
Người ta còn hay nói: "Bác sĩ có đi khám bệnh đâu mà biết bệnh nhân khổ thế nào, các nhân viên y tế vô cảm ra sao?". Thật ra, trước khi làm bác sĩ, tôi cũng là một đứa trẻ, được mẹ sinh ra ở trạm y tế xã, bị sốt xuất huyết nằm ở bệnh viện huyện, phải cắt ruột thừa ở bệnh viện tỉnh. Tôi cũng là một con người chịu ảnh hưởng của quy luật "sinh lão bệnh tử" theo lẽ tự nhiên. Thế nên, tôi hiểu và cảm thông với những gì mà người bệnh phải trải qua.
>> Chê thái độ bác sĩ viện công - sao không khám viện tư?
Và tôi chắc rằng, nhiều đồng nghiệp khác của mình cũng hiểu điều đó. Vì chúng tôi cũng là con người, cũng có nhu cầu "ăn, mặc, ở" và nhu cầu được lắng nghe, thấu hiểu. Đôi lúc, không hẳn là chúng tôi than vãn, mà chỉ là đang bày tỏ, sẻ chia về những góc khuất trong nghề nghiệp, công việc của mình, để mọi người hiểu hơn về những vị bác sĩ luôn bị gắn mác lạnh lùng, vô cảm.
Ông bà ta có câu: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Vì vậy, tôi chắc rằng, nếu một người bản tính cau có, hay khó chịu, chửi bới, thì dù gặp họ ở đâu, bạn cũng không thể nào né được "tổ kiến lửa" này, chứ không riêng gì bệnh viện. Bởi đó, khi thấy một nhân viên y tế quát nạt bệnh nhân, xin mọi người hãy nghĩ rằng, dù họ có làm kỹ sư, kế toán, hay bảo vệ thì họ cũng la hét như vậy. Đừng quy chụp là nhân viên y tế nào cũng có thái độ như thế.
Nếu một hoặc vài lần không may, bạn vào viện và bị một nhân viên y tế to tiếng, mắng chửi vô lý, xin hãy bình tĩnh và hãy lên tiếng, nói lý lẽ với họ, để góp phần giúp họ nhận ra lỗi sai của mình. Có thể một người nói, họ chưa nhận ra, nhưng mười người, một trăm người lên tiếng, tôi tin họ sẽ tự xem xét lại bản thân. Hãy cùng chung tay vì một môi trường y tế "bớt giận dữ", nhiều cảm thông, chia sẻ, và hãy cùng chung tay gắp những "con sâu" ra khỏi "nồi canh" y tế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.