1. Hạn chế, dừng hoạt động xe máy ở các thành phố là vấn đề phức tạp
Hạn chế, dừng hoạt động xe máy ở các thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh) sau năm 2030 được bàn luận nhiều trong thời gian qua.
Có ý kiến đề xuất lập phương án tổng thể vùng hạn chế xe máy gồm: đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ phủ sóng của giao thông công cộng; thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn xe công cộng. Có ý kiến lại cho rằng cấm xe máy mà giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì ô tô sẽ xuất hiện dày đặc.
Khi người dân dùng ôtô cá nhân thay xe máy thì đường phố càng chật chội, ùn tắc, lộn xộn, ô nhiễm hơn, tai nạn giao thông gia tăng. Với mật độ dân cư ở các thành phố lớn hiện nay, với nhà ống chen kín, bám sát mặt đường thì phương tiện duy nhất mà người dân có thể sử dụng tiện lợi là xe máy. Trong 20 năm tới, xe máy vẫn là phương tiện chính của người dân để làm việc, kiếm sống.
Một số đề án hạn chế xe máy đã được các địa phương xây dựng: "Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030"; "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào"... Nhiều ý kiến của cộng đồng mạng cho rằng các giải pháp đưa ra khó khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay ở các thành phố nước ta.
Đề án của các địa phương, ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng cho thấy đây là một vấn đề phức tạp. Áp dụng đồng loạt hạn chế, dừng hoạt động xe máy trên địa bàn cả 5 thành phố thì cần rất nhiều nguồn lực, đến năm 2030 khó thực hiện được.
Nếu thực hiện ở quận này trước, quận kia sau trong cùng một thành phố thì sẽ khó khăn, phiền phức cho cả chính quyền địa phương và người dân. Có thể sử dụng xe máy ở quận này, nhưng lại không được dùng ở quận khác sẽ không giảm được xe máy, mà còn làm gia tăng ôtô cá nhân, gây tốn kém nhiều nguồn lực, đường phố cũng thêm chật chội. Rõ ràng, cần có tiếp cận phù hợp hơn để giải quyết vấn đề này.
>> Người Hà Nội 'đi bộ 500 m, xe đạp 1 km, buýt BRT 3 km'
2. Giải pháp tổng thể để hạn chế, dừng hoạt động xe máy ở các thành phố
Với điều kiện hạ tầng của các đô thị nước ta hiện nay, khi nguồn lực còn hạn chế, chúng tôi cho rằng cần một giải pháp tổng thể mang tầm quốc gia. Hãy bắt đầu bằng việc tổ chức một "thành phố kiểu mẫu" về giao thông không dùng xe máy. Có thể chọn một thành phố có dân số và diện tích không quá lớn để làm việc này (Hải Phòng, Đà Nẵng hoặc Cần Thơ).
Từ một mô hình thực tế sẽ nhân rộng đến các thành phố khác. Với cách làm này hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ không khó thực hiện tiếp theo khi hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị (metro).
Các công việc sau cần triển khai ở thành phố lựa chọn khởi đầu:
- Ưu tiên tập trung đầu tư về nguồn lực (kể cả vốn vay ODA) để tổ chức giao thông công cộng đủ để thực hiện thay thế xe máy trong thành phố; đảm bảo để người dân có thể di chuyển trong thành phố này mà không cần có phương tiện cá nhân.
- Xác định một lộ trình, thời gian quá độ khoảng bốn đến năm năm trước khi dừng hoạt động xe máy trong toàn thành phố. Tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân trong thành phố và công bố công khai trong cả nước.
- Rà soát quy hoạch, triển khai tổ chức hợp lý mạng lưới giao thông sử dụng phương tiện công cộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong thành phố.
- Quy hoạch, tổ chức hợp lý các khu vực kinh doanh, dịch vụ trong thành phố phù hợp với cách tổ chức mạng lưới giao thông mới.
- Hỗ trợ công dân chuyển đổi, thanh lý phương tiện giao thông cá nhân và tổ chức kết nối giao thông thuận tiện giữa thành phố này với các địa bàn trong cả nước.
>> Cấm xe máy, người Hà Nội sẽ đi 'BMW'
Để đạt được hiệu quả lâu dài cần quy hoạch phát triển thành phố này theo hướng đô thị hiện đại; chỉnh trang đô thị, đảm bảo đường thông, hè thoáng; đánh giá lưu lượng người tham gia giao thông trong các khu phố cổ, đường xá chật hẹp (trong trường hợp cần thiết phải tổ chức kết nối giao thông bằng phương tiện microbus).
Giao thông công cộng được tổ chức hợp lý, phủ khắp thành phố có thể giúp dừng hoạt động xe máy, hạn chế ô tô cá nhân. Không có cách nào tốt hơn để người dân trong cả nước hiểu và tích cực ủng hộ chủ trương này bằng kết quả thực tế. Từ kết quả đạt được tiếp tục nhân rộng đến các thành phố khác.
3. Hiệu ứng lan tỏa từ việc triển khai thực hiện giải pháp tổng thể
Lợi ích của một thành phố không có xe máy lớn hơn nhiều so với mục đích chống kẹt xe và giảm thiểu tai nạn giao thông. Do vậy, nếu triển khai sớm sẽ có lợi nhiều hơn cho người dân ở đây và lan tỏa nhận thức chung đến các thành phố khác.
Có thể nêu ra một vài ưu điểm dễ nhận thấy:
- Văn minh đô thị được cải thiện. Khi xe máy cá nhân được thay thế bằng phương tiện công cộng thì việc tổ chức dịch vụ trong thành phố cũng thay đổi. Người sử dụng phương tiện công cộng không thể ghé đường phố này mua một món đồ, ghé nơi khác sắm tiếp một món đồ khác. Các dịch vụ rải rác khắp nơi, tùy tiện lấn chiếm vỉa hè như hiện nay sẽ không còn tồn tại. Cùng với sự hình thành các siêu thị, các dịch vụ nhỏ lẻ sẽ "tự giác" quy tập vào những khu vực nhất định.
- Dân trí được nâng cao. Thói quen và tập quán sinh hoạt của người thành phố sẽ thay đổi. Việc đi chung phương tiện giao thông công cộng sẽ góp phần tạo lập môi trường văn hóa trong dân cư. Cánh cửa xe buýt mở ra, đóng vào nhanh như cửa thang máy (để không lãng phí thời gian) và lịch xe chạy các tuyến sẽ góp phần tạo nên tác phong công nghiệp, ảnh hưởng tích cực tới nếp nghĩ và hành vi của công dân.
>> Cần có Tuần lễ không xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn
- Ý thức tham gia giao thông của công dân thành phố chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Khi người dân không còn sử dụng xe máy như hiện nay mà sử dụng chung phương tiện giao thông, tình trạng "mạnh ai nấy đi" sẽ giảm hẳn. Ý thức tôn trọng Luật Giao thông của công dân cũng sẽ được nâng lên nhờ tác động qua lại lẫn nhau trong cộng đồng dùng chung phương tiện giao thông.
- Giao thông ở các vùng lân cận cũng sẽ an toàn hơn vì người dân thành phố không đi xe máy, lượng xe máy lưu thông giảm hẳn. Sẽ không cần phải gắng sức giải tỏa nhà dân trên hành lang đường bộ như hiện nay, vì ở đó làm gì cho bụi và mất an toàn, nếu như không có khách đi xe máy từ thành phố ra tạt ngang ăn uống, mua sắm.
"Thành phố kiểu mẫu" sẽ tiếp tục phát triển ngày càng hiện đại hơn, phù hợp với quy luật phát triển của các đô thị trên thế giới. Quy hoạch sử dụng quỹ đất, bố trí các công sở, doanh nghiệp, nhà trường và tổ chức đời sống sẽ đều thay đổi theo hướng tích cực.
Thành phố sẽ mở rộng dễ dàng hơn và tăng thêm nhiều khoảng trống sinh thái thông thoáng với nhiều cây xanh, công viên. Từ chỗ "một bước lên xe", nay phải đi bộ nhiều hơn, lúc đầu sẽ có nhiều người không đồng tình, nhưng rồi sẽ thống nhất rằng: Đi bộ ra xe buýt với khoảng cách vừa phải rất có lợi cho sức khỏe.
Hiệu ứng về một thành phố không có xe máy sẽ lan truyền rất nhanh. Từ chỗ "mắt thấy, tai nghe", người dân các thành phố khác sẽ cảm nhận rõ ràng hơn lợi ích của việc hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy, sẵn sàng đón nhận triển khai tiếp theo ở thành phố quê hương mình. Ngay cả việc hạn chế đăng ký xe máy hay ô tô cá nhân cũng không cần thiết, bởi lẽ những người "nhạy cảm" đều hiểu rằng vài năm nữa chủ trương này sẽ thực hiện ở địa phương mình.
>> 'Tối ưu vỉa hè để người dân tự hạn chế xe máy'
Hình ảnh trực quan "mắt thấy, tai nghe" của một "thành phố kiểu mẫu" như vậy sẽ lan tỏa rất nhanh và chủ trương dừng hoạt động xe máy ở các thành phố sẽ thu hút sự ủng hộ của cộng đồng xã hội trong cả nước.
Cần nhắc lại rằng, nếu cứ đầu tư dần dần, dàn trải theo điều kiện hiện có của từng thành phố như hiện nay thì số lượng phương tiện cá nhân (bao gồm xe máy và ô tô cá nhân) sẽ gia tăng nhanh hơn sự phát triển các phương tiện công cộng.
Hạn chế, dừng hoạt động xe máy ở các thành phố ngày càng khó thực hiện. Hiệu ứng lan tỏa từ việc triển khai thành công một thành phố không cần xe máy, chủ yếu dựa vào phát triển các phương tiện giao thông công cộng sẽ mạnh hơn mọi cách tuyên truyền.
Những năm qua, do khó khăn về nguồn lực nên chúng ta thường giải quyết vấn đề giao thông trong các đô thị bằng các giải pháp khắc phục. Đã đến lúc cần tiếp cận vấn đề này theo một cách khác, có tính tổng thể, toàn diện. Để giải bài toán giao thông đô thị trong bối cảnh thực tế hiện nay ở nước ta, cần có chiến lược, giải pháp mang tầm quốc gia, không chỉ thực hiện ở mức độ tùy thuộc vào từng địa phương.
Tiến trình chung có thể triển khai theo phương thức "cuốn chiếu", nhưng không phải là đầu tư làm từng phần ở tất cả các thành phố và khi có nguồn lực thì bước sang phần tiếp theo, mà là phải triển khai toàn diện ở một thành phố trước khi triển khai đến các thành phố khác.
Lê Đình Sơn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.