Tôi vô tình xem được một video giao thông rất viral trên mạng xã hội Facebook. Tên trang Fanpage đó và dòng mô tả đoạn clip được viết bằng chữ Arab. Video này có rất nhiều lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận mặc dù chất lượng hình ảnh không được tốt lắm. Tôi đoán là nó đã được đăng đi đăng lại nhiều lần.
Tôi tò mò bấm thử vào phần bình luận, đa phần cũng là chữ Arab. Sẵn chuyện, tôi dùng chức năng dịch văn bản được tích hợp sẵn trên Facebook để cố đọc một vài bình luận.
Dù có độ chênh ngôn ngữ nhất định nhưng tôi hiểu đại khái các bình luận đó với nội dung: "họ chạy xe trên phố như đang làm xiếc vậy", "thật nguy hiểm nhưng cũng khá thú vị", "trông cứ như một bể cá vàng đang bơi lội"...
>> 'Xe buýt mini vô dụng nếu người Việt vẫn lười đi bộ'
Đoạn clip đó, được quay từ trên cao xuống một ngã tư. Nơi các giao lộ gặp nhau ở một vòng xoay. Ôtô, xe buýt và xe máy chạy xoay cuồng. Chiếc chạy trước, chiếc chạy sau, chiếc thì quẹo phải, chiếc đi từ bên này sang bên kia không theo một quy tắc nào. Những tưởng chỉ một trong số đó lỡ nhịp thì tai nạn sẽ xảy ra, kéo theo nhiều phương tiện khác bằng hiệu ứng domino.
Tôi thầm nghĩ, chắc là chuyện xảy ra ở một nước nào đó trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng tôi đã nhầm. Đến cuối clip, người quay thu máy và lộ ra một vài bảng hiệu trên phố, tôi mới biết đó là ở Việt Nam.
Lúc tôi mới lên thành phố học, kỹ năng đầu tiên phải tự mình học là qua đường. Lần đầu tiên thực hành nhiệm vụ đó, tôi phải đứng tần ngần mấy phút, đợi cho có một ai đó cũng sang đường giống mình thì tôi khe khẽ đi theo. Sau này tôi tự tin hơn nhờ một đứa bạn ở thành phố trao khẩu quyết: "Nhìn xe chạy vun vút ớn hả, không sao, cứ liều đi đại thì lái xe tự né người đi bộ thôi".
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Đến lúc sắp ra trường, tôi làm thêm công việc hướng dẫn viên dắt khách Tây đi quanh thành phố, vừa để kiếm tiền, vừa có cơ hội trau đồi tiếng Anh. Cứ nhìn cách họ sang đường là tôi biết ai vừa mới đến Việt Nam, ai đã ở dăm tuần, một tháng. Một số khách nói với tôi vừa sợ vừa thích thú chơi trò chơi sang đường.
Nó khiến họ lo lắng, bồn chồn, hồi hộp không biết khi nào nên đặt chân xuống vạch đi bộ. Sau đó cứ tự tin đi về phía trước, người đi xe máy sẽ tự né mình. Điều đó đem lại cảm giác thăng hoa tột cùng và khi đã đến được bên kia đường, họ xem như mình đã thắng trò chơi.
Tôi kể vài câu chuyện như trên và sẽ không đưa ra bình luận rằng giao thông ở các đô thị lớn nước ta lộn xộn, tuỳ tiện như thế nào. Tôi cũng không đổ lỗi cho xe máy hay ôtô. Nhưng, ở riêng Hà Nội, tình trạng kẹt xe, tắc đường vì xe máy, ôtô mỗi ngày một đông thêm đã khiến giao thông trở nên nghẹt thở như vậy suốt cả chục năm qua.
Sau năm 2025, Hà Nội sẽ cấm xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm. Đây là chuyện cũ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng mỗi lần được bàn đến nó lại trở nên mới mẻ, với rất nhiều câu hỏi để phản đối (chứ không phải phản biện).
Đầu tiên là "cấm xe máy có hết tắc đường, ô nhiễm không hay cấm xe máy để đi ôtô?". Tôi mạnh dạn trả lời rằng tắc đường, kẹt xe vẫn sẽ còn. Một thành phố hấp dẫn việc làm, dịch vụ như Hà Nội luôn thu hút người dân từ các địa phương lân cận đổ về sinh sống và làm việc. Như vậy, kẹt xe sẽ không thể nào chấm dứt kiểu bỗng nhiên về số không được.
Nếu một ngày Hà Nội bỗng dưng hết tắc đường, thì rõ là nó không bình thường. Nhưng xảy ra kẹt xe thì sẽ là câu chuyện của những người đi ôtô, nếu họ cảm thấy hài lòng với việc bỏ một số tiền lớn ra sở hữu ôtô, nhưng vẫn bị kẹt xe hàng giờ, lại còn tốn tiền xăng, tiền bảo dưỡng, tiền phí vào nội đô... Vả lại không thể nào cấm tiệt ôtô như xe máy. Vì như vậy là đi ngược với sự phát triển chung. Một đô thị đặc biệt không thể nào cứ gồng mình lên tải hàng triệu chiếc xe máy mãi như thế được.
>> Lộ trình cấm xe máy dài hơi nhìn từ Quảng Châu
Thứ đến, "cấm xe máy người dân sẽ đi bằng gì?". Tôi mạnh dạn trả lời rằng người Hà Nội sẽ đi "BMW". Đây không phải là ôtô BMW đâu mà là viết tắt của: xe Buýt, Metro (tàu đô thị) và Walk tức là đi bộ.
Hãy thử tưởng tượng, một gia đình có ba người ở Hà Nội. Buổi sáng bố mẹ tiễn con lên xe buýt của trường học để đến trường. Sau đó bố mẹ đi tàu Cát Linh - Hà Đông hoặc buýt nhanh BRT đến công sở. Đến trạm hoặc nhà ga, họ sẽ đi bộ một quãng đường tầm 1km để đến chỗ làm. Không phải chen chân giữa nắng nóng, mưa gió, không phải bực mình vì kẹt xe khói bụi. Rõ ràng, ba hình thức giao thông này kết hợp với nhau thật là hấp dẫn và làm bật sự văn minh lên rất nhiều.
Bây giờ, đề án đã nêu rằng "sau 2025" sẽ cấm xe máy. Như vậy, chỉ còn bốn năm 2022-2023-2024-2025 để lên kế hoạch và xây dựng các phương án giao thông công cộng thay thế. Đây sẽ là công việc của cơ quan chức năng.
Nếu đúng lộ trình, sau 2025 Hà Nội sẽ vắng bóng xe máy ở trung tâm thì đó sẽ là bản lĩnh và sự dũng cảm của chính quyền Thủ đô.
Vũ Văn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.