Thời gian gần qua, việc cấm xe máy lại trở thành chủ đề tranh luận khi nghị quyết tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 được ban hành.
Theo nghị quyết này, UBND các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM, nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Trước đó, hồi cuối 2021, Hà Nội đã nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ cấm xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố.
>> Người Hà Nội 'đi bộ 500 m, xe đạp 1 km, buýt BRT 3 km'
Trước đó nữa, thủ đô cũng đã có vài lần đặt ra lộ trình cấm xe máy hoạt động ở trung tâm.
Năm 2016, đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố" đã được Sở Giao thông Hà Nội lấy ý kiến các đơn vị liên quan để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Đến 2019, đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" được Sở Giao thông trình UBND thành phố để cấm hẳn xe máy trong các quận trung tâm thành phố Hà Nội (năm 2030). Sở chia làm ba giai đoạn: 2019 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030.
Ở TP HCM cũng tương tự như thế, không ít lần việc cấm xe máy được đem ra bàn bạc nhưng chỉ là những lộ trình được vạch ra trên giấy tờ.
Nói về chủ đề cấm xe máy ở các đô thị Việt trong lúc cà phê nhàn rỗi với bạn bè, ai cũng bảo tôi rằng vấn đề này rất nhạy cảm, và quả là tôi cũng thấy nó nhạy cảm thật. Bởi xe máy đang là phương tiện đi lại chính yếu của đa số thị dân Việt Nam. Đồng thời, nó cũng là "cần câu cơm" của rất nhiều người.
Nhưng cũng như hai mặt của một đồng xu, xe máy đem đến sự tiện lợi nhất thời nhưng cũng mang đến những tác hại dài lâu. Tôi tin rằng ai cũng biết những tác hại này: kẹt xe, khói bụi, đô thị nhếch nhác, nạn chiếm vỉa hè, cướp giật...
Chúng ta không thể nào cứ chép miệng cho qua kiểu "chắc họ chừa mình ra" khi mỗi lần nhà chức trách hoặc ai đó đụng chạm đến vấn đề này. Để rồi khi những giải pháp được nêu ra, ta cứ gạt phăng đi bằng những câu hỏi mang tính chất vị kỷ: "cấm xe máy thì đi bằng gì", "xe buýt không chạy ngang nhà tôi", "Việt Nam không phù hợp đi bộ, xe đạp vì thời tiết nắng nóng"...
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Nếu người dân các nước khác có hoàn cảnh xã hội và điều kiện địa lý tương tự như Trung Quốc, Myanmar... cũng khư khư những câu hỏi này, thì thành phố Yangon của Myanmar đã không cấm nổi xe máy từ năm 2003 dù họ có hệ thống giao thông công cộng lạc hậu hơn Việt Nam.
Ở thành phố này, xe máy bị cấm triệt để trong toàn thành phố và hạn chế ở 6 thị trấn ngoại ô Yangon, để xe đạp và xe đạp điện di chuyển. Hay như Quảng Châu đã không cấm nổi xe máy từ hơn hai mươi năm trước.
Có ai đó đã nói rằng nếu Hà Nội cấm được xe máy ở trung tâm, thì đó là một quyết định dũng cảm của chính quyền thủ đô. Ý kiến này không sai, nhưng tôi nghĩ còn chưa đầy đủ. Mảnh ghép còn thiếu đó chính là sự đồng lòng hy sinh vì lợi ích chung của người dân.
Bây giờ, tôi nghĩ khi bàn bạc về quyết sách cấm xe máy, chúng ta hãy thảo luận các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn khi chính sách này đi vào cuộc sống thay vì phản đối nó.
Bởi với những phản ứng xảy ra trong những năm qua, không lẽ đến năm 2050, đời con cháu chúng ta vẫn cứ lặn ngụp trên đường phố đông người, với chiếc xe máy bởi vì cha ông chúng phản đối cấm xe máy vào năm 2030?
Cấm xe máy, chúng ta bàn tới, bàn lui để vấn đề được giải quyết trọn vẹn, nhưng xin đừng bàn lùi nữa.
Thanh Phong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.