Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025. Theo tôi, đề xuất này nếu thực hiện sẽ mang tính chất đột phá, tạo cuộc "cách mạng" giao thông tại thủ đô. Theo xu hướng chung tại các đô thị trên thế giới, giao thông công cộng phải là phương tiện chủ lực để người dân đi lại.
Tôi xin mở rộng vấn đề người Hà Nội sẽ đi 'BMW' sau khi bỏ xe máy. Theo tôi, người dân đang gắn bó với chiếc xe máy vì nó quá tiện lợi. Trong khi đó, mấy chục năm phát triển, nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân ngày càng tăng nhưng năng lực đáp ứng của giao thông công cộng hầu như bị bỏ quên.
Nhiều người bảo người Việt lười đi bộ, thời tiết nắng nóng... nhưng tôi nghĩ vấn đề mấu chốt không nằm ở những nguyên nhân này. Thời bao cấp, xe máy chưa phổ biến, người dân vẫn đi bộ, vẫn đi xe đạp... đấy thôi.
>> Cấm xe máy, người Hà Nội sẽ đi 'BMW'
Tôi nghĩ rằng các phương tiện công cộng sẽ hấp dẫn được người dân nếu chúng đánh trúng nhu cầu, chi phí rẻ và tiết kiệm thời gian. Hiện nay, giao thông công cộng ở Hà Nội còn rời rạc, thiếu tính liên kết. Buýt nhanh BRT từng được kỳ vọng rất nhiều, nhưng hiện tại đã trở nên trầm lắng do thiếu sự liên kết.
Nhiều người bảo không ai đi buýt nhanh BRT, nhưng thực tế tôi thấy những người có nhà và công ty nằm trên điểm đầu - điểm cuối nằm trên đường những tuyến buýt này đi ngang thường sử dụng.
Tương tự, những người có công ty, nhà nằm trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ không dại gì chen chúc đi xe máy. Bằng chứng là có hơn 110.000 lượt khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sau một tuần thu phí. Tuần đầu thực hiện thu phí (21/11-27/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy trên 1.400 chuyến, phục vụ hơn 110.000 lượt người, bình quân ngày khoảng 16.000 khách.
Như vậy, nếu sau 2025 Hà Nội loại bỏ xe máy, người dân chuyển sang dùng phương tiện công cộng, tôi có đề xuất như sau: cần kết hợp đi bộ - xe đạp - xe buýt BRT (hay tàu đô thị) để chúng tạo thành một chuỗi liên hoàn, khiến người dân cảm thấy hành trình có nhiều lựa chọn và không bị gián đoạn.
Tức là với một người, từ nhà có thể đi bộ với quãng đường từ 500 m đến 1 km để tới trường, công sở. Đi bộ 1 km chỉ cần thời gian từ 10-12 phút. Với quãng đường lớn hơn 1 km đến 3 km, người này có thể dùng xe đạp cá nhân hoặc xe đạp công cộng.
Ở TP HCM, sẽ thí điểm mô hình cho thuê xe đạp ngay trong tháng này, với quãng đường dài trên 3km, cần xuất hiện những tuyến xe buýt nhanh.
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Như vậy, các trạm xe đạp, xe buýt nhanh, metro phải liên kết với nhau. Những địa điểm như trường học, công sở, siêu thị, trung tâm thương mại phải được phủ kín các phương tiện giao thông công cộng để người dân cảm thấy di chuyển tiện lợi và thoải mái nhất.
Nếu thực hiện đồng bộ như trên, tôi nghĩ rằng sẽ không có ai than phiền việc cấm xe máy ở trung tâm thủ đô cả.
Thậm chí khi đó, nhiều người sẽ tiếc rẻ: sao không bỏ xe máy sớm hơn.
Trung Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.