Tôi thường gạt phăng mỗi lần quản lý cấp dưới của tôi bàn chuyện giải quyết một vấn đề nào đó của công ty hay hay team nội bộ mà dùng tới "luật", "cấm" và phạt tiền theo kiểu đóng quỹ, mời nước, đãi ăn uống.
Tôi cho rằng, người quản lý là người tạo điều kiện, hướng dẫn cách làm và hỗ trợ nhân viên khi họ gặp khó khăn ở mức vị trí của họ không giải quyết được. Vấn đề cấm xe máy sau 2025 cũng tương tự. Tôi nghĩ không nên vội vàng cấm mà cần có những thay đổi để người dân dần chấp nhận và tự bỏ xe máy.
Nhiều nước đi ôtô họ đều có người lái mô tô, có chăng thì là thiểu số nhưng rõ ràng họ không cấm. Mục tiêu dự kiến của việc cấm xe máy là giảm ô nhiễm và ùn tắc giao thông, đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Ùn tắc giao thông thực ra chỉ là vấn đề làm người dân khó chịu nhất khi đi lại hiện nay. Nếu không ùn tắc nữa, nhưng đi phương tiện công cộng lại trễ giờ làm, hay đụng chạm (phụ nữ, trẻ em) và phát sinh nhiều yếu tố nguy hiểm, bị móc túi, bị chen lấn trên xe buýt, tàu điện ngầm... thì nó cũng sẽ là bức xúc mới, nhiều khi còn khó chịu hơn cả kẹt xe.
Nên thừa nhận một điều là ý thức đa số người tham gia giao thông còn rất kém. Và từ việc đi xe máy không theo một luật lệ nào cả đến việc sử dụng các phương tiện, tài sản công cộng như đồ trong nhà mình là chuyện nhãn tiền.
>> Lộ trình cấm xe máy dài hơi nhìn từ Quảng Châu
Giao thông của chúng ta đang thiếu gì? Những phương tiện đúng giờ, nhanh, an toàn và sạch sẽ. Ai sẽ sử dụng? Đương nhiên là người có ý thức.
Tôi thấy, hiện nay rất nhiều đường lớn có con lươn ở giữa rất rộng, hãy thay nó bằng một đường đi bộ rộng 2,4m. Đường này hai chiều đi bộ tính ra đi được bốn hàng người, hai chiều. Mấy dải phân cách hiện nay đa số trồng cây thấp, tốn tiền chăm sóc, tưới tiêu mà không mát mẻ, người đi đường cũng không ngắm. Khi có đường đi bộ ở giữa, xe buýt sẽ chạy sát làn đường này, và như vậy thì sẽ không có chuyện xe buýt phải tấp lề như hiện nay.
Do đó phía bên phải của đường dành cho xe buýt có thể làm gờ bảo vệ cao 20-40cm ngăn riêng đường xe buýt ra với xe máy và ôtô. Trạm xe buýt nằm gần ngã tư, lúc đèn đỏ người đi xe buýt có thể đi vào 2 lề đường hai bên, hoặc từ bên lề đường đi ra trạm xe buýt. Với cách làm này thực ra chúng ta chỉ xây thêm vỉa hè với chi phí rẻ.
Tiếp theo chúng ta nên thay đổi phần làn đường dành cho ôtô và xe máy. Nếu hướng tới hạn chế xe máy, ôtô là đa số trong tương lại tôi nghĩ nên để làn ôtô bên phải, làn xe máy bên trái, gần làn xe buýt. Nói cách khác là ôtô đi sát vỉa hè hơn còn xe máy ra giữa.
Cách làm này giải quyết rất nhiều thói quen xấu của người Việt khi tham gia giao thông hiện nay:
1. Không còn chuyện đậu xe ôtô tùy tiện sát lề đường. Hiện nay các tài xế lợi dụng việc xe máy nhỏ, nếu bị một chiếc ôtô cản đường thì lách ra ngoài một chút là xong. Cho nên họ hay tùy tiện dừng xe vô tội vạ. Nếu kể từ nay xe ôtô di chuyển ở làn bên phải, sát lề đường thì họ dừng xe sẽ cản trở ôtô khác phía sau. Bị phản ứng nhiều thì họ sẽ không dừng đỗ trái phép nữa.
2. Tạm biệt hàng rong, xe ba gác, tiệm thuốc lá, nước giải khát, xe bánh mì,... Cảnh giờ cao điểm đi trên đường nhỏ mà còn bị mấy nam thanh nữ tú vô tư dừng xe giữa đường mua bánh mì, xôi sẽ không còn. Bởi xe máy bây giờ bị di chuyển ở bên ngoài ô tô, chả còn cơ hội nào mà tấp lề.
>> Cấm xe máy, người Hà Nội sẽ đi 'BMW'
Đương nhiên cũng giống ôtô, xe máy bây giờ cũng không thể dừng vô tội vạ dù là sát lề đường, sẽ chỉ có những điểm nhất định xe máy tấp vào lề và dừng trên vỉa hè.
Không có xe máy thì lượng khách hàng mua bán vặt dọc đường sẽ rất thấp nên cái văn hóa và nền kinh tế lề đường, mặt tiền cũng dần triệt tiêu.
3. Không có tai nạn kiểu xe máy phi từ hè ra đường hay ô tô quay đầu giữa đường. nâng cao ý thức quan sát biển giao thông của người đi xe máy.
Với việc xe máy đi ra bên trái xe ôtô thì họ không thể tấp vào lề dễ dàng. Cần có những điểm nhất định trên đoạn đường, có cắm biển, cho phép xe máy cắt qua đường ô tô để đi lên vỉa hè hoặc từ vỉa hè ra nhập làn đường.
Tại những điểm xe máy có thể tấp vào lề này, các căn nhà mặt tiền sẽ phải bị giải tỏa đề quy hoạch thành bãi giữ xe máy chung cho một đoạn đường (giữa hai điểm xe máy được tấp vào lề). Lý do là xe máy không được đi trên vỉa hè nên người đi phải gửi xe lại và đi bộ về nhà (hoặc tới điểm đích). Với cách thay đổi trên, con đường thực sự được dùng để di chuyển chứ không có mục đích khác như bán hàng rong, dừng nói chuyện điện thoại, mua cà phê thuốc lá, đứng đợi nhau, tụ tập hội nhóm...
>> 'Xe buýt mini vô dụng nếu người Việt vẫn lười đi bộ'
Người đi bộ cũng có đường đi bộ riêng, xe buýt có làn chạy riêng, mọi người ra đường là để đi và phải tập trung khi tham gia giao thông. Hàng quán và văn hóa lề đường bị loại bỏ hoàn toàn thì đa số các con đường mà ta đang nói là vỉa hè rất nhỏ hiện nay cũng vẫn có chỗ cho người đi bộ. Không còn cảnh xe máy dựng vỉa hè, trộm cắp.
Người dùng xe máy cũng tập thói quen có phương tiện cá nhân là có các loại phí đi kèm. Đồng thời họ cũng sẽ bắt đầu làm quen với chuyện phải đi bộ một đoạn đường nhất định để về nhà. Họ cũng sẽ không còn bạ đâu cũng dắt xe máy ra đường nữa, muốn đi chợ gần nhà, ghé tiệm tạp hóa cách 100m mua két bia,... là không đơn giản. Dần dần sẽ tập thói quen làm gì, đi đâu phải có kế hoạch trước.
Đến đây, có thể thấy rằng một cách nghĩ mới, cách làm mới có thể thay đổi và từ từ hình thành những thói quen tốt cũng như cải thiện tình trạng giao thông hiện nay.
Tôi tin rằng đây chỉ là một trong số nhiều ý tưởng cải tiến giao thông trong tương lai. Tuy nhiên, tôi hy vọng các nhà quản lý đừng vội cấm hay phạt. Hãy tìm cách để nâng cao, phát triển giao thông trước cái đã.
Tâm Chất
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.