Chính phủ nêu yêu cầu trên tại Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, ngày 5/4.
5 thành phố trực thuộc Trung ương được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.
Cơ quan chuyên môn các thành phố tham mưu HĐND ban hành nghị quyết ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; phấn đấu năm 2030 đạt 30-35% khối lượng vận tải hành khách.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, các thành phố tập trung nguồn lực xử lý điểm thường xuyên ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, có kết nối với trục đường chính trong đô thị.
Bộ Công an được giao lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông để xử lý các vi phạm hành chính; xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông để thống nhất áp dụng toàn quốc.
Trước đó tháng 12/2021, Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5.
Sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Năm huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.
Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai.