Trả lời:
Trẻ bị tiêu chảy khi trong phân có nhiều nước hơn bình thường hoặc đi tiêu trên ba lần mỗi ngày. Các triệu chứng có thể kèm theo như sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút, thậm chí phát ban...
Trẻ bú hay không bú sữa mẹ đều có thể gặp tình trạng này vì một số nguyên nhân phổ biến như nhiễm trùng đường ruột do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; chế độ ăn nhiều đường (ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước trái cây đóng hộp); dị ứng thực phẩm; không dung nạp đường lactose, fructose, sucrose. Trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng, bệnh celiac cũng có nguy cơ tiêu chảy.
Con bạn đang bú mẹ nhưng thường xuyên bị tiêu chảy có thể do chưa điều trị dứt điểm hoặc do trẻ bị bất dung nạp lactose thứ phát sau tiêu chảy cấp.
Sữa mẹ có thành phần carbohydrate là đường lactose. Lactose là đường đôi nên cơ thể trẻ không hấp thụ được trực tiếp mà cần phải nhờ men lactase để chuyển hóa thành hai loại đường đơn gồm glucose và đường galactose. Trong một số trường hợp bé bị bất dung nạp lactose thứ phát sau tiêu chảy cấp, khi đó hệ tiêu hóa bị tổn thương nên không tiết ra đủ lượng men lactase cần thiết. Tình trạng này khiến cho đường lactose bị lên men, tạo thành axit lactic, làm cho trẻ có biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi nhiều, bụng sôi, xì hơi nhiều, phân có mùi chua và lỏng.
Trong trường hợp này, phụ huynh nên cho trẻ dùng sữa thay thế đường lactose bằng đường maltodextrin. Khi hệ tiêu hóa của trẻ ổn định và hồi phục tốt hơn thì từng bước tập cho trẻ bú sữa mẹ trở lại.
Trẻ em có thể mắc bệnh tiêu chảy cấp tính hoặc mạn tính. Đây là cách để cơ thể trẻ tự loại bỏ vi trùng. Hầu hết đợt tiêu chảy ở trẻ em kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
Nếu con tiêu chảy kéo dài, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |