Trẻ bị kẹt tay chân vào cánh cửa hay té ngã bật móng phổ biến. Phụ huynh có thể lúng túng, chưa biết cách xử trí đúng khiến con đau đớn, nguy cơ nhiễm trùng. BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý cách chăm sóc khi bé gặp tình trạng này.
Giữ bình tĩnh và an ủi trẻ: Nhiều phụ huynh hốt hoảng, xót con khi bé bị chấn thương có thể khiến trẻ sợ hãi. Thái độ bình tĩnh của phụ huynh giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
Đánh giá mức độ tổn thương: Phụ huynh nhẹ nhàng kiểm tra ngón tay, chân của con xem có vết cắt nào không và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nếu trên móng có vật lạ như mảnh gỗ hoặc thủy tinh đâm vào, không cố gắng lấy ra ngay.
Làm sạch vết thương: Rửa móng bị thương dưới vòi nước sạch ấm, sử dụng xà phòng nhẹ nếu có thể. Phụ huynh không nên chà xát vết thương mạnh bạo. Móng nếu bị bong ra, phụ huynh nên giữ lại vì vẫn có ích cho cho bác sĩ trong việc xử lý vết thương.
Kiểm soát chảy máu: Nếu bong tróc móng có chảy máu, phụ huynh nên sử dụng một miếng gạc hoặc một miếng vải sạch đặt vào vết thương sau đó dùng tay đè nhẹ lên cầm máu. Cần giữ nguyên tư thế đè cho đến khi máu ngừng chảy. Tuy nhiên, không đè trực tiếp lên móng nếu vùng này bị tổn thương nặng.
Giảm sưng đau: Phụ huynh có thể chườm lạnh cho ngón tay của trẻ để giảm sưng đau. Bọc đá lạnh hoặc túi chườm lạnh vào một chiếc khăn mỏng và chườm lên khu vực bị thương trong khoảng 10-15 phút. Không áp đá trực tiếp lên da vì điều này có thể gây tổn thương lạnh. Giữ ngón tay bị thương của trẻ ở vị trí cao hơn mức trái tim để giảm sưng, đau.
Che chắn vết thương: Sau khi máu chảy đã ngừng, vết thương được làm sạch, nếu cần phụ huynh băng bó nhẹ vùng bị thương cho bé bằng băng y tế sạch để bảo vệ khỏi bụi bẩn và vi khuẩn.
Theo dõi và chăm sóc sau cấp cứu: Theo dõi vết thương để đảm bảo không bị nhiễm trùng. Dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm đỏ, sưng, đau tăng, hoặc chảy mủ. Nếu vết thương nghiêm trọng, không ngừng chảy máu sau vài phút hoặc có dấu hiệu của nhiễm trùng, đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Bác sĩ Đỗ Trọng lưu ý khi vết thương nhiễm trùng, chăm sóc cẩn thận quan trọng để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng và kích thích quá trình chữa lành. Phụ huynh cần làm sạch vết thương, tránh ngâm móng trong nước nóng quá lâu vì làm chậm quá trình lành thương.
Sau khi rửa sạch có thể dùng dung dịch sát khuẩn như povidone-iodine (Betadine) xung quanh khu vực nhiễm trùng để giảm vi khuẩn. Tránh sử dụng sản phẩm cồn hoặc hydrogen peroxide vì chúng có thể kích ứng và lâu lành thương. Phụ huynh cũng có thể dùng một lớp mỏng thuốc mỡ chống nhiễm khuẩn, như neomycin, polymyxin B, bacitracin bôi lên vùng nhiễm trùng cho trẻ. Sau đó che phủ vết thương bằng băng y tế hoặc gạc sạch và thay băng hàng ngày hoặc khi bị ẩm, bẩn.
Phụ huynh cần theo dõi vết thương hàng ngày của con. Nếu sưng nhiều hơn, đỏ lan rộng hoặc chảy mủ, nghiêm trọng như sốt, đau nhiều, vết thương lan rộng cần đưa trẻ đi khám ngay.
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |