Trả lời:
Trẻ nhỏ có thể bị thương do bạn cắn khi đi học, tranh giành đồ chơi. Tình trạng này khá phổ biến. Phần lớn vết cắn nhẹ ửng đỏ, không trầy da, chảy máu, vết thương không nghiêm trọng. Trường hợp trẻ bị cắn đến mức rách da, chảy máu... như con của chị dễ có nguy cơ nhiễm trùng. Bé có thể bị truyền vi khuẩn như vi khuẩn tụ cầu, liên cầu khuẩn hoặc lây truyền một số bệnh như viêm gan, các bệnh truyền nhiễm khác.
Phụ huynh nên trấn an và động viên, xử lý vết thương của bé. Chị nên theo dõi sau khi con bị cắn để kịp thời phát hiện dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng sưng, đau ở vết thương, chảy mủ, trẻ sốt từ 38 độ, nóng ran và đỏ lan ra từ vết cắn. Trẻ cần đến bệnh viện kiểm tra nếu vết cắn rỉ dịch, không liền da kéo dài trên 10 ngày.
Vết cắn nhẹ, không xử lý đúng có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, phụ huynh cần tuân thủ các bước xử trí như sau:
Trường hợp da không rách: Rửa sạch tay phụ huynh bằng xà bông diệt khuẩn và nước sạch, sau đó rửa vết thương cho bé bằng xà bông, nước sạch. Nếu vết thương nằm ở vùng da dễ bẩn có thể che lại bằng băng cá nhân.
Trường hợp da rách, chảy máu: Phụ huynh rửa sạch tay, sau đó rửa vết thương cho con. Nếu không chảy máu có thể bôi thuốc kháng khuẩn, băng vết thương. Trường hợp chảy máu nhiều phải băng cầm máu, sau 5-10 phút máu vẫn chảy cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử lý. Một số trường hợp trẻ có thể được bác sĩ chỉ định chích ngừa uốn ván.
Trẻ bị cắn và trẻ cắn bạn đều cần phụ huynh giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Cha mẹ giải thích cắn bạn là hành động sai, để trẻ không lặp lại.
BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |