Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xoắn tinh hoàn là bệnh cấp tính liên quan đến mạch máu, xảy ra khi thừng tinh bị xoắn quanh trục khiến đường vận chuyển máu tới một hoặc cả hai bên bị gián đoạn. Triệu chứng nổi bật là trẻ đau đớn dữ dội vùng bìu. Bệnh xuất hiện ở hai giai đoạn điển hình là sơ sinh và trước tuổi dậy thì.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số yếu tố có thể liên quan bao gồm:
Dị dạng "quả chuông": Tinh hoàn treo trong bìu nhưng không được cố định bởi mô nên dễ gây ra xoắn. Dị tật này thường gặp và có thể xuất hiện ở cả hai bên.
Thay đổi trước tuổi dậy thì: Trẻ em trong giai đoạn tiền dậy thì, nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nồng độ hormone testosterone trong cơ thể trẻ tăng đột ngột, làm tăng thể tích và khối lượng cơ quan, đồng thời tăng tốc độ quay quanh trục của thừng tinh dẫn đến xoắn.
Bất thường trong giải phẫu: Bé trai gặp bất thường về mặt giải phẫu như tinh hoàn ẩn, nằm ngang, đa tinh hoàn, dị thường mào tinh hoàn... có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hoạt động thể chất: Một số trẻ vận động thể chất mạnh hay gặp chấn thương khi chơi thể thao có thể sinh ra phản xạ cơ bìu co lại và nâng tinh hoàn lên đột ngột, gây xoắn.
Thời tiết lạnh: Cơ bìu có xu hướng co thắt lại khi gặp thời tiết lạnh khiến tinh hoàn xoắn. Bác sĩ Đức dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng này có xu hướng gia tăng trong các tháng mùa đông hoặc các quốc gia nằm ở vĩ độ bắc.
Dính mô bìu: Thường xảy ra ở cả hai bên tinh hoàn của trẻ sơ sinh do màng bọc thành bìu chưa được cố định chặt với các mô bên ngoài, gây xoắn. Đây là dạng xoắn thường gặp nhất.
Khi tinh hoàn xoắn cực đại, quá trình lưu thông máu bị gián đoạn gây thiếu máu cục bộ và tăng áp lực trong các cơ quan. Nếu không kịp thời điều trị dẫn đến chết mô, hoại tử, buộc phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận. Nhiều trường hợp còn gây ra nhiễm trùng huyết và tăng nguy cơ vô sinh trong tương lai.
Bác sĩ Đức cho biết thai nhi, bé trai sơ sinh và từ 10 tuổi trở lên, hoặc có bố, anh em trai từng bị xoắn tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao. Bác sĩ khuyên phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ bị đau bìu dữ dội để chẩn đoán và điều trị sớm, giảm biến chứng nặng. Hiện có hai phương pháp điều trị gồm tháo xoắn thủ công để cấp cứu tạm thời và phẫu thuật là biện pháp tốt nhất.
Thắng Vũ
Độc giả có thắc mắc bệnh nam khoa, gửi câu hỏi tại đây |