Bác sĩ Phạm Xuân Long, Khoa Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tinh hoàn là tuyến sinh dục nam sản xuất tinh trùng và hormone sinh dục. Tinh hoàn hình thành bên trong ổ bụng của thai nhi nam. Trong khoảng thời gian từ 25 đến 35 tuần tuổi thai (thai kỳ), tinh hoàn của em bé di chuyển xuống ống nhỏ ở bụng dưới (ống bẹn) và ổn định vào bìu. Thông thường, cả hai tinh hoàn đều nằm trong bìu. Tình trạng tinh hoàn ẩn nghĩa là một hoặc cả hai tinh hoàn bị thiếu trong bìu và nằm ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển của tinh hoàn xuống bìu trong thời kỳ phôi thai (lỗ bẹn nông, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, trong bụng).
Tình trạng này thường không gây đau và việc tiểu tiện không bị ảnh hưởng nhưng lại gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe bao gồm: thoát vị bẹn (phình bất thường ở vùng háng); xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn; thiếu hụt testosterone (androgen); vô sinh; nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp 5 - 10 lần người thường. Nam giới mắc tinh hoàn ẩn sẽ có số lượng tinh trùng thấp, chất lượng tinh trùng kém và giảm khả năng sinh sản.
Tinh hoàn ẩn được chẩn đoán bằng cách kiểm tra thể chất khi trẻ ba tháng tuổi (nếu tinh hoàn không thể xuống bìu vào thời điểm đó). Trong một số trường hợp, có thể sờ thấy tinh hoàn bị ẩn ở vùng bụng dưới.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho tinh hoàn ẩn, lý tưởng nhất là khi trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. Bác sĩ Long cho biết thêm thời điểm phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: sức khỏe của bé và độ khó của thủ thuật. Điều trị trước một tuổi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng của tinh hoàn ẩn như vô sinh và ung thư tinh hoàn. Cha mẹ nên cho con làm phẫu thuật càng sớm càng tốt và muộn nhất là trước khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Mục tiêu của điều trị là di chuyển tinh hoàn ẩn đến vị trí thích hợp trong bìu. Trong một số trường hợp, tinh hoàn có thể kém phát triển, mô bất thường hoặc chết, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ mô tinh hoàn này. Nếu bé cũng bị thoát vị bẹn liên quan đến tinh hoàn ẩn, khối thoát vị sẽ được điều trị trong quá trình phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ theo dõi để đảm bảo tinh hoàn phát triển, hoạt động bình thường và ở đúng vị trí. Nghiên cứu cho thấy chất lượng tinh trùng trong tương lai ở những bé trai có tinh hoàn ẩn sẽ bị tổn hại nếu tình trạng này không được khắc phục trước hai tuổi. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn có thể thực hiện được ở độ tuổi muộn hơn. Khoảng 10% nam giới trải qua phẫu thuật chỉnh sửa tinh hoàn bị giảm khả năng sinh sản sau này trong cuộc sống.
Khoảng 5% trường hợp các bác sĩ phẫu thuật không thể tìm thấy tinh hoàn bị thiếu. Các chuyên gia cho rằng tinh hoàn có thể đã chết trong quá trình phát triển trong bụng mẹ do dòng máu bị gián đoạn. Tinh hoàn biến mất cũng liên quan đến các dị tật bẩm sinh khác của hệ thống tiết niệu như xuất hiện mạng lưới mạch máu bất thường đến các ống dẫn tinh.
Trong hầu hết trường hợp, chỉ có một tinh hoàn bị ảnh hưởng. Khoảng 1/10 trường hợp cả hai tinh hoàn đều không có trong bìu (tinh hoàn ẩn hai bên). Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị tinh hoàn ẩn vì tinh hoàn không có đủ thời gian di chuyển vào bìu trong quá trình phát triển trong bụng mẹ. Trẻ nhẹ cân cũng có tỷ lệ tinh hoàn ẩn cao hơn. Khoảng 17% trẻ sơ sinh nam nặng dưới 2,3 kg có tinh hoàn ẩn. Cân nặng khi sinh càng thấp thì rủi ro càng cao. Gần 100% trẻ sơ sinh nam có cân nặng dưới 907 g được sinh ra với tình trạng này.
Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ tinh hoàn ẩn ở trẻ bao gồm: tiền sử gia đình có người bị tinh hoàn ẩn hoặc các vấn đề khác về phát triển bộ phận sinh dục; các tình trạng có thể hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi như hội chứng Down hoặc dị tật thành bụng; người mẹ sử dụng rượu, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc khi mang thai; cha mẹ tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu.
Hải My