Tôi là tác giả bài viết "Nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ là bước đột phá". Ở bài viết trước, tôi đã đề cập đến câu chuyện phát triển nhà ở xã hội theo hướng cho thuê với giá rẻ dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới. Để làm rõ hơn cho các luận điểm của mình, tôi xin phân tích rõ hơn một số điểm để các bạn cùng trao đổi, góp ý.
Đầu tiên, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch, đó là "nhà ở xã hội chỉ cho thuê, không bán". Vì tình trạng giàu - nghèo của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Nếu chúng ta chỉ bán đứt căn nhà cho người thu nhập thấp thì đến khi cuộc sống của họ khá lên (trên chuẩn nghèo) thì sẽ không thể thu hồi lại được để tạo thêm cơ hội cho những người thực sự khó khăn. Trong khi đó, nếu cho thuê nhà ở xã hội thì Nhà nước có thể chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào - khi đối tượng hưởng thụ không còn đủ điều kiện ưu đãi nữa.
Người nghèo, người thu nhập thấp luôn tồn tại dù trong bất cứ xã hội nào (kể cả ở các nước phát triển), và nhóm này sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nếu cứ mang tư tưởng "nghèo để được mua nhà ưu đãi" thì chúng ta lấy đâu ra đủ quỹ nhà để bán? Trong khi đó, nhà thuê sẽ luôn được quay vòng để đảm bảo chỉ phục vụ cho những người thực sự khó khăn ở thời điểm hiện tại. Khi kinh tế của họ khá lên, thoát khỏi mức nghèo thì căn nhà sẽ được thu hồi để nhường lại cho những người khác phù hợp hơn.
Thứ hai, nhà ở xã hội có thể do nhà nước hoặc tư nhân đầu tư và vận hành. Tất cả đều vận hành theo luật. Nhà nước xây dựng được hệ thống luật lệ, quy định, đảm bảo tư nhân có lãi, tất nhiên không thể lãi khủng như nhà ở thương mại. Rất nhiều quy định chính sách có thể tạo nên điều này, ví dụ miễn thuế đất và thuế thu nhập, cho vay vốn ưu đãi, ưu đãi giá gas, điện, nước cho các dự án nhà ở xã hội...
Nên nhớ, chi phí nhà thương mại cao là bởi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và các khoản phí khác. Còn nếu Nhà nước cấp đất cho tư nhân xây nhà ở xã hội thì chi phí đất sẽ không hề cao. Tất nhiên, đất phải ở xa chứ đừng mơ nhà ở xã hội trong nội thành. Ở Hà Nội hiện nay, hệ thống giao thông công cộng đã phủ đến khắp các huyện ngoại thành xa như Sóc Sơn, Mê Linh. Quốc Oai... TP HCM dù chưa được như thế, nhưng đây là khoản đầu tư cần được sớm triển khai thực hiện.
>> Nỗi lo trả nợ dai dẳng khi mua nhà ở xã hội tiền tỷ
Thứ ba, suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không cần cao. Nhà ở xã hội nên là nhà khung thép tiền chế, có thể xây lên đến 5-7 tầng, rất nhanh, đảm bảo bền, nhẹ, và giá thành rẻ. Nhà cũng không cần có thang máy và tầng hầm (vì nhu cầu không cần quá cao), khâu xử lý nền móng chỉ cần đơn giản, nội thất tối thiểu... sẽ góp phần hạ thấp đơn giá xây dựng.
Nhà khung thép có thể duy trì đến 30-40 năm, đủ để hết một vòng đời dự án. Chung cư thương mại cũng chỉ hơn thế chút xíu. Chưa kể các căn hộ nhà ở xã hội chỉ có diện tích nhỏ, trang thiết bị ở mức cơ bản. Nhà ở xã hội chỉ nên dưới 40 m2 (phòng đôi cho hộ gia đình) và 12 m2 (phòng đơn cho cá nhân).
Thứ tư, đối tượng hưởng thụ nhà ở xã hội cần có quy chế chọn lọc rõ ràng, ví dụ dưới mức thu nhập chịu thuế cá nhân. Rất cần quy chế và quy trình xét duyệt minh bạch. Hệ thống cơ quan thuế và BHXH đã liên thông dữ liệu và có thể cập nhật trạng thái thu nhập cá nhân nhằm phục vụ công tác sàng lọc, xét duyệt. Một chính sách lâu dài, toàn diện là điều tiên quyết để thành công. Đồng thời, nhất thiết phải tuân thủ cơ chế thị trường, không được phép chủ quan, duy ý chí.
Nếu triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo hướng như vậy, tôi tin người có thu nhập thấp sẽ thực sự tiếp cận được với nhà giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của cá nhân, góp phần giải quyết bất cập về nhà ở xã hội tiền tỷ như hiện tại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.