Gần đây, nhiều người chia sẻ, bàn luận xung quanh câu chuyện kiểm soát giá bất động sản. Người ta đưa ra nhiều giải pháp như đánh thuế, giao dịch qua sàn... với mong muốn đưa nhà đất về giá trị thực của nó, để nhiều người có thủ nhập trung bình có thể tiếp cận được với bất động sản. Tuy nhiên, quan điểm của tôi lại hơi khác một chút.
Thứ nhất, mơ mộng giá nhà, đất hạ đến mức một người lao động có lương ở mức trung bình cũng phải sở hữu được nhà ở Sài Gòn, Hà Nội - những thành phố lớn nhất cả nước, những nơi tinh hoa hội tụ... thì quả là không hợp lý và logic chút nào. Chẳng đâu ở trên thế giới có chuyện đấy cả. Theo lẽ thường, người có mức lương trung bình sẽ chỉ mua được nhà, đất trung bình, ở các vùng xa trung tâm, kém phát triển mà thôi.
Thứ hai, nếu đã là người làm công ăn lương, tức là bạn đang ở nhóm thấp nhất, kiếm tiền ít nhất, khó làm giàu nhất trong xã hội (theo Kim Tứ Đồ của Robert Kyosaki). Ba nhóm còn lại là nhóm T (tự doanh), nhóm C (chủ doanh nghiệp) và nhóm Đ (đầu tư), họ đều xuất sắc hơn bạn, kiếm nhiều tiền hơn bạn.
Thê nên, nếu bạn chỉ có lương trung bình trong nhóm trung bình, thì việc tụt lại trong cuộc đua mua nhà phố cũng là điều hết sức bình thường.
Thứ ba, nhiều người hay so sánh nước ta với các quốc gia phát triển. Nhưng họ lại không hiểu rằng, ngay cả ở những xã hội phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những người phải ở chui rúc trong những căn phòng trọ chỉ có diện tích 4 m2, sống lay lắt cho qua ngày, tháng. Thế nên, đừng chỉ nhìn vào hoàn cảnh hiện tại của mình mà vội kêu ca, than vãn rằng giá nhà vượt xa tầm với của bản thân.
Thứ tư, tôi cho rằng, thay vì cứ giữ lấy tư duy "phải sở hữu nhà ở" tồn tại từ lâu, tai sao chúng ta không thay đổi thành "chỉ cần ổn định chỗ ở và gia tăng tổng tài sản". Thự tế, ở nhà thuê cũng rất tốt, miễn là tổng tài sản mỗi năm của bạn gia tăng đáng kể, nguồn thu nhập của bạn được đa dạng. Cứ như vậy, chỉ sau khoảng 5-10 năm, bạn sẽ có những thành tựu đáng tự hào.
>> 'Không thể chấp nhận 45 năm nhịn ăn, nhịn tiêu để mua nhà'
Không ít người bất mãn khi chứng kiến những người có nhiều nhà đất ngày một trở nên giàu có, trong khi một bộ phận có học thức lại mãi không thể thoát nghèo. Họ nói rằng muốn xã hội công bằng, bình đẳng hơn, nhưng tôi thấy thực chất họ chỉ muốn cào bằng thì đúng hơn.
Chẳng hạn như câu chuyện về anh kỹ sư có nhiều bằng cấp và ông chú buôn đất trong bài viết "Hai bằng đại học không bằng người có nhà, đất" cũng vậy. Nhiều người chỉ thấy cái được trước mắt của ông chú, là có rất nhiều căn nhà, là sự tự do tài chính, rủng rỉnh về tiền bạc. Thế nhưng, họ lại không thấy cái mất mát, phải đánh đổi của ông chú, đó là lối sống kham khổm dè sẻn từng đồng để mua đất đầu tư. Trong khi đó, những người cùng thời với ông ấy có lẽ đã ăn chơi, hưởng thụ suốt thời trẻ, để rồi dần tụt lại phía sau khi tài sản cạn dần.
Tóm lại, cái gì cũng có hai mặt cả, và cơ hội luôn chia đều cho tất cả chúng ta. Hãy nhớ rằng, chỉ có bình đẳng về cơ hội đổi đời cho mỗi người, chứ không hề có thứ gọi là bình đẳng về đất đai, của cải. Trong xã hội sẽ luôn có người giàu và người nghèo, người có nhiều nhà đất và người ở thuê cả đời, đó là chuyện hết sức bình thường. Hãy tập trung nâng cao giá trị của bản thân, tìm hướng làm giàu đúng đắn thay vì mải chạy theo và phê phán thành công của người khác.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.