Gần đây, tôi thấy nhiều người bàn luận sôi nổi về câu chuyện những khó khăn để mua được nhà của giới trẻ thời nay. Cá nhân tôi thấy rằng, giới trẻ 9X, 10X bây giờ vẫn hoàn toàn có khả năng tự thân mua nhà. Có điều, các bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ.
Ví dụ, bạn làm việc ở Sài Gòn hay Hà Nội, thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng một tháng. Nếu ở trọ ghép chung với bạn bè hoặc chịu khó ở xa trung tâm, hạn chế tối đa chi tiêu thì hàng tháng bạn có thể cân đối sử dụng trong phạm vi 6 triệu đồng và để dành 4 triệu đồng. Cứ đều đặn như vậy, sau hơn chục năm tiết kiệm, tích lũy, bạn có thể để ra được khoảng 600 triệu đồng.
Tất nhiên, khoản tích lũy đó còn có thể tự động sinh lời nếu bạn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi. Tuy nhiên, tôi không tính khoản tiền lời gửi tiết kiệm này vì tiền đó cũng chỉ tạm đủ để bù cho trượt giá. Với số tiền có trong tay, bạn có thể tính chuyện mua một miếng đất hoặc một căn nhà nhỏ ở vùng ven, cách xa trung tâm thành phố, giá khoảng một tỷ đồng.
Phần còn thiếu (khoảng 400 triệu đồng) bạn có thể vay mượn thêm của gia đình, bạn bè hoặc làm thủ tục vay ngân hàng. Sẽ có nhiều người đặt giả thiết giá nhà tăng theo thời gian thì phải sao? Khi đó, bạn sẽ phải chịu khó mua nhà xa hơn nữa, hoặc chọn mảnh đất nhỏ hơn để phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Tôi thấy vẫn có những căn nhà nhỏ, giấy tờ hợp lệ với khoảng gần một tỷ trong vòng bán kính gần với nơi bạn làm việc. Miễn là bạn đừng làm việc một đầu thành phố và mua nhà đầu kia, sẽ rất nhiều phiền toái trong việc di chuyển. Một cách khác là bạn mua nhà xa, rồi cho thuê để giữ vốn, trong khi vẫn thuê nhà gần chỗ làm, gọi là "renvesting". Rồi đến lúc có thêm tiền thì bạn chuyển vào mua nhà ở gần hơn.
>> Viễn cảnh 'ở nhà thuê trọn đời' của giới trẻ thời nay
Với bài toán đó, đồng nghĩa với việc nếu bạn ra trường năm 22 tuổi, thì khoảng năm 35 tuổi, bạn sẽ có thể mua được căn nhà cho riêng mình. Nếu chăm chỉ "cày cuốc" thêm 5 năm nữa, bạn hoàn toàn có thể trả hết nợ. Đấy là trong trường hợp bạn độc thân và phải tự thân vận động với hai bàn tay trắng.
Còn nếu có hai vợ chồng cùng chung sức tiết kiệm và được gia đình hỗ trợ ít nhiều thì thời gian để mua được nhà thậm chí còn nhanh hơn nữa (mặc dù nếu lập gia đình thì sẽ có thêm các chi phí phát sinh khác như cưới hỏi, quà biếu nội ngoại, hẹn hò...).
Tất nhiên là tôi đang nói trong điều kiện bạn không có con trước khi có nhà. Vì nuôi con rất tốn kém, nên nếu có con trước khi có nhà, bạn gần như rất khó để dành được tiền bạc. Nếu bạn thu nhập dưới mức 10 triệu đồng một tháng thì tốt nhất nên tìm cách tăng thu nhập của bản thân, hoặc làm thêm, hoặc về quê, hoặc kiếm ông chồng, bà vợ nào có thu nhập cao hơn để bù vào.
Một điều phải khẳng định là tôi không hề nói kế hoạch trên là dễ dàng. Thậm chí, thực tế chuyện để dành được tới 40% thu nhập trong hơn 10 năm là rất khó bởi trong cuộc sống sẽ luôn có những biến cố, những khoảng phát sinh (như ốm đau hay công việc gặp trục trặc...), nhưng nói như vậy không có nghĩa là không thể thực hiện được, quan trọng là bạn chuẩn bị thế nào, quyết tâm đến đâu?
Thực ra, cũng chinh vì những khó khăn, áp lực trong việc mua nhà mà giới trẻ Đông Á nói chung đang đi theo xu hướng không muốn hẹn hò, sinh con. Họ phải đánh đổi giữa một bên là tự do tài chính và một bên là chi phí nuôi dạy một đứa trẻ. Cuối cùng, quyền lựa chọn vẫn là ở mỗi người. Mua được nhà hay không là do chính bạn quyết định.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.