Ở các nước tiên tiến, hệ thống nhà ở xã hội (nhà giá rẻ) cho đối tượng thu nhập thấp được xây và vận hành với chi phí rất thấp, đầy đủ tiện nghi cơ bản, nhưng đa phần chỉ cho thuê chứ không bán. Nhà ở xã hội là một loại đặc quyền cho người thu nhập thấp, thông qua xét duyệt chứ không phải ai cũng được thuê. Điều này thúc đẩy người thu nhập thấp phải lao động để đổi đời, chứ không phải mua xong cái nhà giá rẻ dạng ban phát là xong.
Ai cũng muốn nghèo để được có nhà giá rẻ, như thế là sai trái. Nếu anh nghèo suốt đời thì cũng không lo không có chỗ ở, nhưng anh phải chấp nhận ở nhà ở xã hội với tiện nghi cơ bản thôi. Tất nhiên, đó cũng chỉ là chỗ ở cho anh ở kiếp này, còn nếu đòi hỏi phải có cái nhà để lại cho con cháu thì khác gì người giàu, như thế là rất buồn cười.
Với nhà ở xã hội, tôi cho rằng cần có quy chế vận hành rõ ràng theo luật, với khung giá thuê được điều chỉnh hàng năm để đảm bảo chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, coi như chính quyền vận hành phi lợi nhuận. Đất xây nhà ở xã hội được miễn thuế, phí thuê đất, thủ tục đơn giản thì giá thành xây dựng và vận hành sẽ giảm rất nhiều, dư sức cho người thu nhập thấp thuê với giá dễ chịu.
Tôi biết hiện nay ở TP HCM đã có mô hình nhà giá rẻ cho thuê 30 năm (không bán) với giá dưới một tỷ đồng, tính ra chi phí thuê nhà chỉ có 2,6 triệu đồng một tháng cho cả 30 năm - một mức giá vô cùng dễ chịu cho bất cứ ai.
>> Nỗi lo trả nợ dai dẳng khi mua nhà ở xã hội tiền tỷ
Nói chung, với người nghèo, cái cần nhất là giá thuê nhà phải thật thấp để họ có cái mà tích lũy, đổi đời về sau. Căn nhà đó không cần rộng, cũng không cần quá nhiều tiện ích. Do vậy, những nhà này chỉ cần giá thuê bằng hoặc thấp hơn nhà trọ ngoài thị trường là có thể cạnh tranh tốt. Bạn cứ cho thuê phòng đơn một triệu đồng, phòng đôi hai triệu đồng một tháng ở các thành phố lớn thì tôi tin sẽ đắt như tôm tươi.
Cách đây khoảng 20 năm, khi còn ở Anh, tôi đã có cơ hội tham quan, trải nghiệm mô hình này. Họ bố trí một căn hộ khoảng bốn phòng đơn, đủ cho một người hoặc hai vợ chồng ở, chung khu phụ (tắm riêng, vệ sinh riêng) và bếp khá rộng. Mỗi tòa nhà có nhiều căn hộ như thế, tầng trệt bố trí máy giặt, máy sấy công cộng (trả bằng tiền xu), máy bán nước giải khát tự động... Người nghèo chủ yếu đi lại bằng phương tiện công cộng nên cũng không cần bố trí chỗ đỗ xe nhiều.
Người muốn thuê nhà loại này phải có xác nhận hoàn cảnh khó khăn của chính quyền địa phương (đối với người thất nghiệp), cơ quan, trường học (đối với sinh viên), nếu chưa có chỗ trống thì phải xếp hàng đợi đến lượt mới được thuê. Về cơ bản, các căn hộ như vậy phục vụ tốt nhu cầu ở căn bản, nhưng còn xa mới đạt tới chuẩn sống trung bình của xã hội. Điều ấy cũng khiến người ta phải phấn đấu vươn lên.
Đồng thời giá thuê nhà loại này cũng phải rẻ, giúp người nghèo xoay xở, tích lũy được thêm chút ít. Đối tượng ở nhà ở xã hội thường là người già neo đơn, sinh viên, lao động phổ thông có thu nhập thấp, người thất nghiệp... hầu như không có ai thu nhập trung bình vào ở được. Nếu chúng ta cũng làm được như vậy mới là đảm bảo công bằng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.