Theo các chuyên gia am hiểu phân khúc nhà ở xã hội, mức lãi suất 8,2% trong 5 năm gói vay 120.000 tỷ đồng có thể biến các ưu đãi thành ngược đãi đối với người có thu nhập thấp khi bước sang năm thứ 6. Sau khi hết thời gian ưu đãi, người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường. Đây sẽ là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động.
Cùng chung nỗi lo ngại mức lãi suất 8,2% trong 5 năm có thể đẩy rủi ro cho người thu nhập thấp, độc giả Bquangminh chia sẻ: "Trước khi nghỉ hưu, tôi công tác cho một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ các đối tượng khó khăn và một số dự án có hỗ trợ xây mới, sửa nhà cho hộ nghèo chỉ với xác nhận của chính quyền địa phương. Họ không thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác có yêu cầu thế chấp hoặc tín chấp (vì họ đang là con nợ của khá nhiều tổ chức tín dụng như ngân hàng người nghèo, ngân hàng chính sách xã hội hay các quỹ hỗ trợ... mà chưa thanh toán được).
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, tôi thấy chúng ta đã làm nghèo đi người nghèo và chất lên lưng họ khoản nợ mà có thể cả đời không trả hết được. Lý do thì đơn giản là các dự án không cho không 100% mà thường bắt đối ứng 40-50%. Người nghèo khi thấy được cho không một khoản vài chục triệu đồng thì rất ham vì có ai cho mình ngần đó tiền đâu và thực sự đó là số tiền lớn. Do đó, họ chạy vạy vay khắp nơi để có khoản đối ứng để nhận được hỗ trợ. Và sau đó là hành trình trả nợ từ đời cha qua đời con, cháu.
Khi nhận ra điều đó, chúng tôi đã dừng hoạt động này và phải chữa cháy bằng tạo việc làm, thu nhập để các hộ nhận hỗ trợ trước trả dần khoản nợ khủng kia. Khoản vay mua nhà ở xã hội nhiều khả năng sẽ lại đi vào vết xe đổ kia".
>> 'Người thu nhập thấp không thể mua nhà ở xã hội 1,5 tỷ đồng'
Nói về những bất cập trong chính sách nhà ở xã hội hiện nay, bạn đọc Dinh Vang nhận định: "Chúng ta nói nhà ở xã hội là dành cho những người có thu nhập thấp. Vậy chúng ta định nghĩa người có thu nhập thấp là người có thu nhập bình quân một tháng bao nhiêu? Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng.
Nếu lấy con số đó làm mốc, giả sử những người có thu nhập dưới mức đó được gọi là người có thu nhập thấp thì các cơ quan hoạch định chính sách cũng phải có bài toán cụ thể xem với lãi suất ngân hàng, với giá một căn hộ tiêu chuẩn thì một người có thu nhập thấp sẽ phải dành ra bao nhiêu tiền trong tháng để trả góp cả gốc và lãi, và phải trả trong bao năm thì hết nợ? Nếu không thể tính được thì chúng ta có thể sẽ xây dựng nhà ở xã hội dành cho những người không thuộc đối tượng có thu nhập thấp. Chiếu theo thực tế hiện nay, nhà ở này thực sự không phải là dành cho người có thu nhập thấp.
Trong khi đó, độc giả Chip cô đơn nhấn mạnh bài toán vay tiền tỷ mua nhà ở xã hội là bất khả thi với người có thu nhập thấp: "Nghĩ sao người thu nhập trung bình mà dám vay hơn một tỷ đồng để mua nhà ở xã hội. Ngay cả những người thu nhập khá cũng phải cân nhắc khi vay con số lên đến hàng tỷ đồng do lãi suất đâu thể nào cố định mãi được. Tôi cho rằng, nên xây những căn nhà diện tích vừa phải, giá dưới một tỷ đồng thì may ra họ còn mua được, chứ nhà ở xã hội mà giá 1,5 tỷ đồng thì trả nợ hết kiếp cũng chưa xong. Chưa nói đến bệnh tật, thất nghiệp không có tiền đóng thì có lẽ họ sẽ phải ra đường.
Nếu đã xác định làm nhà ở xã hội mà không hướng đến đối tượng cần mua loại nhà này mà giới đầu cơ thì tốt nhất nên dẹp ý tưởng này đi. Nên làm theo cách Bình Dương đang làm, đó là xây những căn nhà diện tích vừa phải, giá vừa tầm để công nhân mua hoặc nếu không được thì đơn vị đó cho thuê lại với mức giá hợp lý. Tôi nghĩ làm vậy vẫn tốt hơn thuê trọ, chứ người ta đã thu nhập thấp mà toàn vẽ những thứ trên trời, không với tới được, rồi cuối cùng những dự án này cũng trở thành nơi mua đi bán lại như đất cát mấy năm nay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.