Đọc nhiều bài viết nếu quan điểm "người thu nhập thấp đừng cố trụ ở thành phố rồi than thở khó mua nhà", cá nhân tôi không thực sự đồng tình. Tôi có nhiều bạn bè ở quê (vùng Sơn La, Điện Biên...) học hành cố gắng, có công việc ở Hà Nội, nhưng chẳng nhẽ sáng họ làm ở thành phố, tối lại bắt về quê cách hàng trăm km chỉ để ngủ?
Kể cả về quê làm cũng được, nhưng nhiều ngành như lập trình viên, nhân viên ngoại giao, nghiên cứu thị trường, sale... lại rất khó phát triển ở các vùng quê do thị trường chưa đủ lớn. Hầu hết các văn phòng của các công ty lớn, tập đoàn lớn, đa quốc gia, các trụ sở chính của ngân hàng, các bệnh viện lớn, các viện nghiên cứu, bảo tàng, đại sứ quán, sân bay, đường sá, cảng... đều tập trung ở các thành phố lớn. Thế nên, những trung tâm luôn là nơi thu hút lượng lớn người lao động.
Dân số đông thì nhân viên các ngành y tế, giáo dục, bảo hiểm, vui chơi giải trí, ăn uống cũng phải đông để phục vụ cho đủ nhu cầu. Đây không phải là câu chuyện của mỗi Hà Nội hay TP HCM mà đó là của cả thế giới. Từ nước giàu nhất đến nước nghèo nhất, bất cứ khu đô thị nào mà chẳng đông dân. Vì vậy mà một đô thị có thể làm ra lượng của cải, vật chất nhiều bằng hàng chục tỉnh nhỏ cộng lại với dân số ít hơn.
Kinh tế phát triển thì đi kèm đô thị hóa cao, đó là xu hướng tất yếu. Bài toán cần được giải quyết ở đây là xây dựng các khu đô thị vệ tinh, hệ thống đường sá kết nối, các dịch vụ xã hội đi kèm... chứ không phải là đẩy ngược người lao động về lại quê hương.
Ở Hà Nội có 8 triệu dân thì có khoảng một nửa trong số đó ở vùng đô thị (các quận, thị trấn, thị xã). Nhân lực nhập cư chủ yếu là sinh viên lên thành phố học tập, nên trình độ lao động nhập cư vào Hà Nội, TP HCM đa phần có trình độ đại học và trên đại học. Các khu văn phòng, ngân hàng, cơ quan nhà nước... cần lượng nhân lực chất lương cao đó là chuyện hết sức bình thường.
>> '10 năm tiết kiệm 500 triệu, nhưng muốn mua nhà ba tỷ đồng'
Tôi không đồng tình với chuyện bắt họ quay lại quê hương lập nghiệp bởi là quyền tự do cư trú, được pháp luật bảo vệ. Nếu có các khu đô thị vệ tinh xung quanh đầy đủ các tiện ích, cách trung tâm khoảng 20-30 km, có đường sá, tàu điện, xe buýt... kết nối nhanh với các khu văn phòng, công sở trong trung tâm, thì tôi tin những lao động nhập cư sẵn sàng ra ngoại thành sinh sống.
Với các nguồn nhân lực chất lượng không cao thì sẽ hình thành các khu đô thị vệ tinh xa hơn, có thể cách trung tâm 50-60 km (như ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên... nơi gần các khu công nghiệp hơn). Đây là câu chuyện rất bình thường trên thế giới, và Nhà nước ta đã có hướng giải quyết từ sớm rồi, ví dụ như ở các tỉnh miền Bắc có quy hoạch vùng thủ đô, vùng đồng bằng Bắc bộ...
Theo tôi, câu chuyện vĩ mô cũng rất quan trọng. Định hướng quy hoạch chỉ là một phần trong số đó mà thôi. Vấn đề của mỗi người là phải tìm cách tăng thu nhập. Nhà nước sẽ có trách nhiệm điều tiết quan trọng nhất trong xã hội, ví dụ như xem xét các khu vực có khả năng kết nối giao thông, đất đai kém năng suất nông nghiệp, để chuyển sang làm các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với mức thuế phí ưu đãi. Phải có các khu đô thị đó thì nguồn cung nhà mới tăng lên được và sự cạnh tranh mua nhà trong trung tâm mới giảm bớt được.
Tất nhiên, đó chỉ là một khía cạnh vĩ mô thôi. Ngay cả khi bạn có tiền và đủ điều kiện mua nhà (nhà ở xã hội hoặc nhà thương mại) thì người giàu hơn, có sẵn tiền hơn cũng sẽ vung ra mua từ trước rồi. Hoặc họ dùng các mối quan hệ để thâu tóm hết các khu đó để chờ nâng giá lên trước khi bán lại. Thế nên, nhà nước cũng phải có biện pháp hữu hiệu để quản lý thị trường bất động sản, nhằm đưa nhà ở đến đúng đối tượng, tránh các trường hợp đẩy giá lên nằm trục lợi chính sách.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.