Tại hội nghị tiếp xúc của HĐND thành phố với hơn 400 lao động nữ về chủ đề chính sách an sinh xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, sáng 24/4, một số công nhân nói thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng mỗi tháng, phải trang trải nhiều thứ nên việc tích lũy mua nhà ở TP HCM là điều không thể. Hiện, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn. Mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm.
Nói về những khó khăn trong việc mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, độc giả Bùi Văn Hà chia sẻ: "Suy cho cùng, nghe có vẻ nghịch lý nhưng nhà ở xã hội cũng không dành cho người thu nhập thấp. Ví dụ tổng thu nhập hai vợ chồng trung bình 25 triệu đồng một tháng. Chi phí sinh hoạt cho cả gia đình có một con nhỏ ở thành phố ít nhất cũng khoảng 15 triệu đồng. Tức là họ chỉ có thể tiết kiệm được 10 triệu đồng một tháng, 120 triệu đồng một năm. Khoản tiền thưởng Tết coi như bù vào chi phí đi lại, về quê, quà cáp nếu có.
Như vậy, nếu may mắn không có trục trặc trong cuộc sống; không bệnh tật; không có những chuyện phát sinh ngoài ý muốn như hiếu, hỷ; không du lịch..., thì sau khoảng bốn năm, họ sẽ dành dụm được khoảng 500 triệu đồng (đã bao gồm lãi tiết kiệm). Số tiền này cũng chỉ gọi là tạm đủ để họ bắt đầu hành trình mua nhà ở xã hội trả góp.
Tuy nhiên, đời người mấy ai suôn sẻ được như vậy. Không dễ để cặp vợ chồng làm công nhân nào cũng kiếm được khoản tiền đều đặn 25 triệu đồng mỗi tháng và để ra được 10 triệu để tích lũy. Thực tế, nếu không tăng ca, hay có thêm nghề tay trái để "cày cuốc" thêm, thì lương công nhân mới xin việc giỏi lắm cũng chỉ cỡ 7-8 triệu đồng một tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc hai vợ chồng công nhân phải mất 6-10 năm tích lũy mới tiết kiệm được 30-40% để vay mua nhà ở xã hội, chưa kể thời điểm đó giá nhà có lẽ cũng tăng lên chóng mặt rồi".
>> Lương 15 triệu đồng không mua nổi nhà cho người thu nhập thấp
Kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện mới đây chỉ ra khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng, khoảng bốn người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập chi trả chỗ ở.
"Làm gì để người thu nhập thấp mua được nhà ở?", bạn đọc Longton11296 nêu quan điểm: "Tôi cảm thấy rất vô lý khi người lao động cứ nhất định phải mua nhà ở TP HCM hoặc Hà Nội cho bằng được. Vì các chi phí điện nước, sinh hoạt, ăn uống, vui chơi ở thành phố liên tục tăng, kéo theo giá nhà đất cũng không ngừng 'nhảy múa'.
Nếu không muốn người lao động phải đi thuê nhà, tôi cho rằng những khu công nghiệp, khi tổ chức xây dựng, bắt buộc phải có nhà ở cho công nhân, tối thiểu phải đáp ứng được 60-70% số lượng phòng, số còn lại phải được thuê tại những khu nhà trọ được bao trọn gói (các công ty ở Bình Tân - Bình Chánh đang triển khai như vậy).
Vấn đề quan trọng nhất nằm ở sự bảo trợ của các tổ chức thành phố. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ cho các chủ khu trọ vì hàng tháng ngoài các khoảng cố định, còn phát sinh rất nhiều thứ như sửa chữa, bảo dưỡng. Trong khi đó, giá điện, nước hay các phí khác đều tăng từ 20-30% chứ không hề giảm, vậy chủ trọ lấy đâu ra kinh phí để hỗ trợ lại công nhân?
Với các chính sách quản lý 1-1-1 (khu trọ - quản lý nhân sự của công ty hoặc khu công nghiệp - chính quyền địa phương) tôi tin sẽ giải quyết được bài toán nhà ở, góp phần đẩy lùi được tệ nạn xã hội, thu hút nguồn lực từ các địa phương khác và tạo được thêm các nguồn thu nhập cho người lao động. Đi đôi với các chính sách ưu đãi cho người lao động, bản thân công nhân cũng phải cam kết gắn bó từ lâu dài với doanh nghiệp (ít nhất ba năm trở lên) để tránh việc công ty hỗ trợ nhiều nhưng người lao động vẫn nhảy việc, bỏ việc triền miên".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.