Mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội là hướng tới người có thu nhập thấp, giải quyết nhà ở giá rẻ, tuy nhiên, giá nhà ở xã hội ở Việt Nam đang rất cao so với thu nhập của người lao động, có nơi 15 triệu đồng nhưng khu vực khác 20-25 triệu đồng/m2. Có nhiều nguyên nhân khiến giá cao, như nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà phức tạp... Trong khi người dân thu nhập trung bình và thấp thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền thì bất động sản phân khúc cao cấp, trung cấp xuất hiện rất nhiều.
Đánh giá về thực trạng nhà ở xã hội và nhu cầu sử dụng của người thu nhập thấp hiện nay, độc giả IT Kid nêu quan điểm: "Tôi chẳng thấy người nghèo nào đi mua nhà ở xã hội. Tôi làm một phép tính cho các bạn dễ hình dung: giá nhà ở xã hội khi còn là dự án ở Sài Gòn ít nhất cũng tầm một tỷ đồng. Bạn phải có ít nhất 300 triệu đồng mới có khả năng mua được. Trong khi đó, với người nghèo thì 100 triệu đồng cũng là con số quá lớn chứ đừng nói tới con số gấp ba lần. Vì thế, hãy quên luôn con số một tỷ đồng kia đi.
Giả sử họ tích góp được đủ 300 triệu đồng và còn may mắn tiếp cận được số vốn 700 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 5%/năm trong 15 năm, thì mỗi tháng họ cũng phải gồng mình trả nợ khoảng 6 triệu đồng. Thử hỏi như vậy thì người nghèo nào theo nổi?
Thế nên, dù là nhà ở xã hội thì cũng phải theo cơ chế thị trường. Bạn có thấy hợp lý không khi người thu nhập 10 triệu đồng thì mua được nhà, còn người thu nhập 20 triệu thì cả đời phải ở thuê? Nhà ở xã hội xét cho cùng cũng là dành cho những người tái định cư và người có thu nhập thấp nhưng có điều kiện mua nhà, chứ không phải nhà dành cho người nghèo. Và thu nhập thấp ở đây là không dưới 15 triệu đồng một tháng".
>> 'Nhà ở xã hội nhưng không dành cho người thu nhập thấp'
Vì sao nhiều người thu nhập thấp không tiếp cận được nhà ở xã hội trong khi người nhiều tiền vẫn mua được và bán lại ăn chênh lệch? Bạn đọc Mùa đông lý giải: "Trong khi nhà ở thương mại bị giới hạn 50 năm, thì tại sao nhà ở xã hội cứ loay hoay sở hữu vĩnh viễn? Thay vào đó, tạo sao ngân sách cấp đất không thu tiền, cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, cho thuê trong 30-50 năm chẳng hạn với mức giá theo quy định? Đương nhiên là giá sẽ rẻ hơn nhiều so với giá thuê thị trường, và phải đúng người có tên hoặc con ruột của họ mới được ở, cấm chuyển nhượng quyền cho thuê (chủ nhà không ở nữa mà cho người khác thuê thì sẽ bị thu hồi). Chứ như hiện nay, nhiều người không có nhu cầu, nhưng trong diện được mua, họ vẫn đăng ký mua để đem bán lại ăn chênh vài trăm triệu đồng".
Đồng tình với quan điểm xây nhà ở xã hội cho thuê, độc giả Anonymous V bổ sung thêm: "Thay vì cứ loay hoay với bài toán giá bán cho nhà ở xã hội, thì tại sao chúng ta không hướng tới mục đích rõ ràng và thiết thực hơn. Đó là xây xhà ở xã hội và cho thuê đúng đối tượng (người nghèo) với giá cả mà họ có thể chấp nhận được. Nếu người thuê chẳng may qua đời, thì con cháu họ vẫn có quyền ưu tiên thuê căn hộ đang ở hiện tại.
Còn mấy dự án nhà ở xã hội hiện nay, nói thẳng ra là quá tầm với đối với người nghèo. Một căn hộ trong khu nhà ở xã hội cũng có giá tầm một tỷ đồng, thì người mua bắt buộc phải có 300 triệu đồng. Thử hỏi họ kiếm đâu ra số tiền đó? Nếu có tích lũy được 300 triệu đồng thì họ đã chẳng còn nghèo nữa. Kể cả đi vay ngân hàng 700 triệu đồng thì số tiền mà họ phải trả hàng tháng cũng quá khả năng. Nên thực trạng khá là đau lòng hiện nay là đa số người sử dụng các căn hộ thuộc nhà ở xã hội đều không phải là người nghèo".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.