Trả lời:
Xơ nang tuyến vú (thay đổi sợi bọc tuyến vú) là tổn thương thường gặp nhất ở vú phụ nữ, bao gồm các mô có cấu trúc dạng khối đặc hoặc dạng sợi. Thay đổi sợi bọc tuyến vú không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Một vài người bị đau vú, căng tức và nổi u cục, nhất là ở vùng trên ngoài của tuyến vú. Tình trạng này thường diễn ra nhiều nhất ở lứa tuổi từ 30-50 tuổi, hiếm khi xảy ra sau khi mãn kinh trừ khi bạn đang dùng thuốc thay thế nội tiết tố như: estrogen hay progesterone.
Thay đổi sợi bọc tuyến vú có thể bao gồm các dấu hiệu như những khối u ở vú hoặc một khối dày lên có xu hướng hòa vào mô vú xung quanh; đau chung chung không rõ điểm đau hoặc căng tức, khó chịu ở vú. Các nốt hoặc khối u ở vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt. Núm vú tiết dịch màu nâu hoặc xám không chứa máu, dịch tiết có xu hướng rỉ ra mà không cần ấn hoặc bóp. Những thay đổi ở vú xảy ra tương tự nhau ở cả hai bên.
Hàng tháng, chị em cảm thấy đau vú tăng lên, nổi u cục bắt đầu từ giữa chu kỳ kinh (khoảng thời gian rụng trứng) đến ngay trước kỳ kinh, sau đó thuyên giảm khi chu kỳ kinh nguyệt khác bắt đầu. Các triệu chứng về vú có xu hướng khó chịu nhất vào thời điểm ngay trước kỳ kinh và thuyên giảm sau đó. Các biện pháp tự chăm sóc đơn giản có thể giảm nhẹ sự khó chịu này.

Đau vú là một trong những triệu chứng do xơ nang tuyến vú. Ảnh: Freepik
Nguyên nhân chính xác của thay đổi sợi bọc tuyến vú vẫn chưa được biết rõ, nhưng các bác sĩ nghi ngờ rằng có liên quan đến hormone sinh sản, nhất là estrogen. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ hormone thay đổi gây khó chịu ở vú và các vùng mô vú dày lên, mềm, đau, sưng. Thay đổi sợi bọc tuyến vú có xu hướng khó chịu hơn ở trước kỳ kinh nguyệt, giảm bớt khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Khi kiểm tra dưới kính hiển vi, mô vú thay đổi sợi bọc bao gồm các thành phần riêng biệt như: các túi chứa dịch dạng hình tròn hoặc hình bầu dục (nang), nổi lên một khối mô sợi giống như sợi xơ (xơ hóa), sự phát triển quá mức của các tế bào (tăng sản) lót ống dẫn sữa hoặc mô tạo sữa của tuyến vú (các tiểu thùy); các tiểu thùy trong vú phì đại (adenosis).
Nếu bạn không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ thì không cần điều trị. U nang gây đau nhiều, kích thước quá lớn hoặc đau có liên quan đến thay đổi sợi bọc tuyến vú có thể cần được cân nhắc điều trị. Khi khám tại khoa ngoại vú, bác sĩ có thể hỏi người bệnh đã bị ung thư vú hoặc có tổn thương tiền ung thư vú hay chưa, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư không, lần chụp nhũ ảnh cuối cùng là khi nào, một số triệu chứng gặp phải... Từ các câu hỏi đó, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Người có những triệu chứng bất thường ở vú như: đau, có khối u, núm vú tiết dịch... nên đến bác sĩ để khám, chẩn đoán, tư vấn, chỉ định phương pháp điều trị phù hợp để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
BS.CKI Phạm Cao Thành
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM