Sau tai nạn, ông Văn khó thở, cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Kiên Giang. Lượng dịch màng phổi của ông Văn tăng nhiều gây chèn ép, làm xẹp một phần phổi, tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ đặt dẫn lưu màng phổi. Đây là thủ thuật đặt ống dẫn xuyên qua thành ngực đi vào khoang màng phổi để đưa khí, dịch, máu hoặc mủ màng phổi thoát ra ngoài. Sau 5 ngày phổi vẫn xẹp, không nở, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị.
Ngày 2/5, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết ông Văn gãy 7 xương sườn, một mảng lồng ngực di lệch, tạo thành ổ tụ dịch thông thương với khoang màng phổi. Bệnh nhân tràn máu màng phổi.

Ảnh CT cho thấy các xương sườn bị gãy, di lệch vào trong. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bác sĩ rạch đường mổ dài bên ngực, tiếp cận khoang màng phổi để gỡ dính phổi, loại bỏ dịch và máu đông. Tiếp đến, ê kíp sắp xếp lại các xương sườn gãy di lệch, nẹp vít các xương đó để cố định lại. Ca mổ kết thúc sau hai giờ.
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết ông Văn từng phẫu thuật bắc cầu mạch vành nên khoang lồng ngực bị viêm dính, thao tác khó hơn. Ê kíp tách hai lớp màng phổi để dễ dàng làm sạch bên trong.
Ba ngày sau phẫu thuật, ông hết đau, sinh hoạt như bình thường, phổi nở tốt, không còn dịch hay máu đông, không nhiễm trùng. Ông xuất viện sau 5 ngày.

Các bác sĩ phẫu thuật nẹp vít xương sườn, làm sạch khoang màng phổi cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Gãy xương trong chấn thương ngực rất phổ biến, nhất là sau tai nạn giao thông, ngã, tai nạn sinh hoạt hay lao động. Tỷ lệ gãy xương sườn khoảng 10% trong số các ca chấn thương ngực, theo bác sĩ Hoài. Bên cạnh gãy xương sườn, chấn thương ngực còn gây tổn thương xương đòn hoặc xương bả vai, phần trên của bụng, phổi, mạch máu, tim, cơ, mô mềm và xương ức.
Nhiều chấn thương ở ngực có thể gây tử vong ngay hoặc sau vài giờ, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến các cơ quan trọng như tim, phổi, mạch máu lớn. Để giảm rủi ro tử vong, giảm di chứng, bệnh nhân khi gặp chấn thương vùng ngực cần theo dõi sát dấu hiệu bất thường.
Sau khi chấn thương ngực, người bệnh cảm thấy cơn đau tăng dần hoặc khó thở dữ dội cần đến bệnh viện ngay. Trường hợp chấn thương nhẹ thường biểu hiện triệu chứng đau khi cử động vai, cánh tay hoặc cơ thể, cơn đau tăng lên khi hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi. Lúc này, bác sĩ cho thuốc uống, có thể điều trị tại nhà. Người bệnh cần đến viện khi mức độ đau không giảm sau vài ngày hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khác.
Thu Hà
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |