"Biết mình mắc ung thư, tôi suy sụp bởi chưa kịp có con", chị Thùy, 36 tuổi, nói hôm 7/8, cho biết vợ chồng kết hôn từ năm 2014, nhiều lần thụ tinh nhân tạo (IUI) không thành công.
5 năm trước, chị Thùy được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB (giai đoạn sớm). Chị còn trẻ, chưa có con, được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tận gốc cổ tử cung, nạo hạch, nối phần thân tử cung vào âm đạo giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Chị còn hy vọng có con, nhưng mất đi hoàn toàn cổ tử cung gây khó có thai tự nhiên. Nếu có thai nhờ thụ tinh ống nghiệm, chị có nguy cơ cao sảy thai hoặc sinh non song vẫn quyết bước vào cuộc chiến với cả ung thư và vô sinh "dù chỉ 1% hy vọng có con".
Trường hợp khác là anh Đức, 38 tuổi, kết hôn 6 năm, một lần IUI thất bại. Anh phát hiện mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn II giữa năm ngoái, được chỉ định phẫu thuật kết hợp xạ trị. Bác sĩ cho biết việc điều trị ung thư có nguy cơ gây độc đến tuyến sinh dục, giảm khả năng sản xuất tinh trùng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, được bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú chỉ định trữ mẫu tinh trùng bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị ung thư.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là hai trong số nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn có tiền căn mắc ung thư được các bác sĩ tiếp nhận điều trị. Các trường hợp khác gồm ung thư buồng trứng, tử cung, tinh hoàn và ung thư xương.
"Mắc ung thư trong độ tuổi sinh sản, khi chưa có con, là một cú sốc tâm lý, bởi không chỉ bệnh lý nặng ảnh hưởng đến tính mạng mà các phương pháp điều trị ung thư có thể gây giảm khả năng sinh sản, thậm chí vô sinh", bác sĩ Như nói. Phương pháp phẫu thuật điều trị các loại ung thư ở bụng hoặc xương chậu... gây khiếm khuyết cấu trúc cơ quan sinh sản, sẹo dính trong và xung quanh dẫn đến khó có con. Tỷ lệ vô sinh sau phẫu thuật cắt cổ tử cung triệt để là 30%.
Hóa trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến buồng trứng, dẫn đến ngừng giải phóng noãn và estrogen, giảm số lượng trứng khỏe mạnh. Nhiều phụ nữ sau khi điều trị bằng hóa chất bị rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh sớm, không còn khả năng mang thai tự nhiên. Hóa trị cũng có thể tác động lên bộ gene gây bất thường chất lượng trứng, kể cả với phụ nữ trẻ.
Với nam giới, thuốc hóa trị ung thư làm các tế bào tinh hoàn tổn thương nặng, không thể sản xuất tinh trùng trưởng thành và khỏe mạnh, gây vô sinh vĩnh viễn. Xạ trị các cơ quan gần vùng bụng, xương chậu hoặc cột sống làm giảm số lượng tinh binh và nồng độ testosterone, phá hủy các tế bào tinh trùng và tế bào mầm, gây vô sinh. Xạ trị lên não có thể làm tổn thương tuyến yên, giảm sản xuất testosterone và tinh trùng.
Các kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ sinh sản như trữ trứng, trữ tinh trùng và trữ phôi giúp người bệnh bảo tồn khả năng có con trong tương lai gần, giảm gánh nặng tâm lý, yên tâm và tập trung vào quá trình điều trị ung thư. Sau khi khỏi bệnh, họ tiếp tục điều trị vô sinh. Thời điểm này phụ thuộc loại ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh, phương pháp điều trị trước đó, tuổi tác... Người bệnh đã hóa hoặc xạ trị, bác sĩ khuyến cáo sau khi kết thúc liều điều trị cuối cùng nên chờ 2-5 năm để phục hồi khả năng sinh sản.
Như vợ chồng chị Thùy, sau ba năm nghỉ ngơi để sức khỏe thể chất và tinh thần hồi phục, họ đến một bệnh viện thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhưng hai chu kỳ đều thất bại. Năm 2023 vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Lúc này, do không còn cổ tử cung nối vào âm đạo, có u buồng trứng kích thước 5x6 cm và tắc hai vòi trứng, chị chuyển phôi lần đầu không thành công.
Bác sĩ Như hội chẩn với BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, quyết định phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng và hai tai vòi, khâu vòng cổ tử cung cho chị Thùy trước khi chuyển phôi, tăng tỷ lệ thành công, dự phòng sớm nguy cơ sinh non. Chị Thùy mang thai thành công, con trai chào đời giữa tháng 7.
Còn anh Đức, sau khi trữ đông tinh trùng, tháng 7/2023, được các bác sĩ phẫu thuật, xạ trị. Song song, người vợ được chọc hút trứng thụ tinh ống nghiệm cùng tinh binh rã đông của chồng, tạo được 6 phôi để trữ đông. Đầu tháng 5/2024, sức khỏe anh Đức ổn định hơn, họ trở lại bệnh viện để chuyển phôi. Chị Xuân được điều trị lạc nội mạc tử cung, chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi sau rã đông giúp đậu thai ngay lần đầu tiên. Thai kỳ hiện hơn 17 tuần phát triển khỏe mạnh.
"Niềm vui có con giúp tôi lạc quan, kiên cường vượt qua bệnh tật", anh Đức nói, cho biết các tác dụng phụ sau phẫu thuật và xạ trị như rụng tóc, sụt cân, đau cải thiện nhiều. Hiện anh duy trì tái khám và chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Bác sĩ Như khuyến cáo vợ chồng sau kết hôn một năm (hoặc 6 tháng với người vợ ngoài 35 tuổi) chưa có con nên đi khám sinh sản. Người vợ được tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng... Người chồng được xét nghiệm tinh dịch đồ, khám hệ thống cơ quan sinh sản, thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác về nội tiết, gene, nhiễm sắc thể...
Tại IVF Tâm Anh, nhiều trường hợp phát hiện ung thư sớm, chủ động trữ noãn, trữ tinh trùng hoặc phôi kịp thời trước khi điều trị, giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Tỷ lệ IVF thành công trung bình ở bệnh nhân ung thư tương đương người bệnh thông thường là 71,5%.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |