Bà Sương, hiện 67 tuổi, cho biết thời gian qua đã quên chiếc vòng, gần đây thường đi tiểu rắt, nóng lạnh kéo dài, đến bệnh viện khám mới "nhớ".
Ngày 13/12, TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chiếc vòng bà Sương dùng làm từ nhựa mềm, cấu trúc hình số 8, là loại hiện không còn sử dụng. Vòng nằm lâu ngày trong tử cung gây nhiễm trùng, là nguyên nhân khiến bà gần đây có những triệu chứng bất thường.
"Vòng tránh thai khi hết tác dụng ngừa thai sẽ trở thành dị vật, có thể lệch, nứt gãy, đâm vào ổ bụng, thủng tử cung", bác sĩ Thu cho biết. Trường hợp bà Sương, vòng đã đâm xuyên qua cơ tử cung song chưa gây tổn thương cơ quan khác. Bác sĩ thực hiện nội soi buồng tử cung, quan sát không thấy vòng nên phải phẫu thuật nội soi ngả bụng.
Sau 30 phút tìm kiếm trong tử cung, bác sĩ đánh dấu vị trí nghi ngờ có vòng, xẻ lớp cơ tử cung. Bác sĩ Yến Thu cho biết thông thường thao tác tháo vòng tránh thai khá đơn giản. Còn bà Sương, êkíp mất hai giờ để gắp hết các mảnh vụn, đưa vòng ra khỏi tử cung do cấu tạo loại vòng Dana và thời gian đặt lâu khiến vòng bị thoái hóa. Bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện sau một ngày.
Bệnh viện Tâm Anh đã xử lý nhiều trường hợp bị tai biến do vòng tránh thai quá hạn. Trường hợp nhẹ có thể gây viêm nhiễm, mang thai ngoài ý muốn. Một số người bị vòng đâm vào bàng quang, chui vào ổ bụng hoặc ruột gây hoại tử, tắc nghẽn.
Theo bác sĩ Yến Thu, vòng tránh thai đi lạc chỗ thường không gây triệu chứng, một số có thể biểu hiện đau bụng nhẹ, chảy máu âm đạo, sốt, tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa, tắc hoặc hoại tử ruột. Thông thường vòng tránh thai có hạn dùng 10 năm đối với vòng T chứa đồng và 8 năm đối với vòng nội tiết (Mirena). Phụ nữ thực hiện những phương pháp ngừa thai này cần đến cơ sở y tế khám định kỳ để xác định vị trí vòng và thay hay tháo bỏ vòng trong tử cung theo thời gian chỉ định.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |