15 năm trước, chị Hoa sinh con thứ hai, từ đó không siêu âm. Khoảng ba năm nay, bụng to hơn, chị nghĩ do béo nên tìm mọi cách giảm cân. Lần này chị tập lắc vòng để giảm béo, hai ngày sau đau bụng dưới, đến ngày thứ 7 bụng phình to phải nhập viện.
Ngày 11/8, BS.CKII Lê Thanh Hùng, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bụng chị Hoa to như đang mang thai 9 tháng. Kết quả chụp CT-scan, nội soi kiểm tra ghi nhận một khối u lớn ở buồng trứng. Một phần của khối u ở buồng trứng bên trái đã vỡ, dịch tràn khắp ổ bụng, còn một phần chưa vỡ chứa tóc và chất bã, chứa khoảng ba lít dịch.
Căn cứ vào tình trạng dịch tràn ổ bụng, bác sĩ Hùng chẩn đoán người bệnh vỡ u sau khi lắc vòng giảm cân, do lực va đập mạnh đột ngột vào thành bụng.
Bác sĩ Hùng cho biết y văn ghi nhận nhiều trường hợp xoắn u buồng trứng sau khi tập thể dục cường độ cao. "Tình trạng vỡ u sau khi lắc vòng chưa được báo cáo nhưng có thể xảy ra", bác sĩ Hùng nói.
Thông thường khi vỡ u, bệnh nhân đau đột ngột vùng chậu. Trường hợp chị Hoa có triệu chứng cảnh báo là đau bụng nhưng tưởng do tập thể dục nên khám trễ. U vỡ chảy dịch, nguy cơ nhiễm trùng cao, dễ gây sốc, nhiễm độc, tử vong.
Ê kíp mổ hở để bóc u, tách dính, rửa ổ bụng vào ngày 9/8. Theo bác sĩ Hùng, ca phẫu thuật khó vì người bệnh từng cắt lá lách và thận trái cách đây 20 năm do tai nạn giao thông, bị dính vết mổ cũ rất nặng.
U vỡ là nang chứa dịch bã nhầy, nếu không rửa sạch, các nang nhầy sót lại gây nhiễm trùng khoang bụng. Sau hai giờ, bác sĩ hút khoảng ba lít dịch tự do (máu kèm khối u vỡ), bóc khối u sót lại, bảo tồn buồng trứng. Phần còn lại của khối u được lấy ra to như trứng ngỗng, kích thước 11x8 cm, nặng khoảng 350 g.
Đây là u quái chứa da đầu, tóc, tuyến bã, chất bã, răng, xương... Bác sĩ Hùng giải thích u buồng trứng có thể hình thành trong thời gian dài. Chị Hoa 15 năm nay không khám, siêu âm... nên không phát hiện khối u. Khối u có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào, do tế bào biệt hóa hình thành các loại mô khác nhau như lông, tóc, móng, cơ, răng hoặc xương. Sau mổ, người bệnh cần dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Hầu hết khối u quái buồng trứng lành tính, không triệu chứng (nếu có là đau bụng cấp do xoắn hoặc to). U thường được phát hiện khi mổ lấy thai hoặc siêu âm, CT-scan, MRI.
Trước đó, bệnh viện Tâm Anh cấp cứu một số trường hợp vỡ u nhưng người bệnh không biết cơ thể có khối u. Người bệnh đau bụng kèm theo sốt, chảy máu âm đạo, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, sốc mất máu...
Yếu tố làm tăng khả năng vỡ u buồng trứng như kích thước khối u quá to, xoắn nhiều vòng, lao động gắng sức, tập thể dục cường độ cao, bị tác động ngoại lực lên thành bụng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, nếu thấy bụng to bất thường nên đi khám.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả có thể gửi thắc mắc về sản phụ khoa tại đây để được bác sĩ giải đáp.