Anh Lâm rời quê Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân từ năm 23 tuổi. Ban đầu anh sản xuất đồ nhựa, sau đó chuyển qua làm sơn, thép rồi sản xuất keo dán dùng trong ngành gỗ công nghiệp. Anh thường xuyên tiếp xúc với các nguyên liệu như bột melamine, formalin, urea và hóa chất phụ gia. Trong quy trình sản xuất, những nguyên liệu này được dẫn lên bồn với định lượng phù hợp, gây phản ứng hóa học tạo thành hỗn hợp chất keo, giải phóng ra lượng nhiệt và khí lớn.
Anh Lâm trực tiếp làm công đoạn nghiền trộn bột melamine, nhiều bụi bặm. Công ty thu gom, xử lý bụi bằng cách dùng than hoạt tính hấp thụ nhưng không triệt để, công nhân được trang bị đồ bảo hộ lao động và đeo thêm khẩu trang.
Năm 2010, anh Lâm kết hôn, 5 năm sau vẫn chưa có con. Đi khám, anh mới biết mình vô sinh do không có tinh trùng. Trong 7 năm sau đó, anh khám, điều trị ở nhiều bệnh viện và phòng khám Đông y nhưng không có kết quả.
ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tinh hoàn người bệnh teo nhỏ, thể tích chỉ còn 6-8 ml (thể tích trung bình khoảng 15-25ml), xét nghiệm nội tiết cho thấy suy giảm khả năng sinh tinh. Xét nghiệm di truyền không ghi nhận bất thường. Xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng trong mẫu xuất tinh.
Anh Lâm cho hay trong gia đình không có ai bị vô sinh. Theo bác sĩ Khoa, vô sinh nam có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài có nguy cơ cao đã tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất tinh trùng của bệnh nhân, như anh Lâm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Semmelweis (Hungary) đã tổng hợp gần 27.000 nghiên cứu và xác định nguyên nhân lớn nhất làm suy giảm tinh trùng do ô nhiễm, hút thuốc, tuổi tác... Phân tích tổng hợp cho thấy ô nhiễm không khí, tiếp xúc với thuốc trừ sâu làm tăng sự phân mảnh DNA tinh trùng trung bình 9,68%.
Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ thu thập dữ liệu khoa học của các cơ quan uy tín để đo lường sự thay đổi các thông số tinh trùng liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí. Kết quả, tỷ lệ vô sinh ở các nước công nghiệp tăng từ 7-8% năm 1960 lên 20-30% hiện nay. Yếu tố môi trường, lối sống, đặc biệt là tiếp xúc với hóa chất có thể góp phần gây rối loạn nội tiết sinh dục, suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng dẫn đến giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí thường liên quan đến tình trạng tăng hàm lượng khí carbon monoxide (CO), nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2), ozone, chì (Pb) và các hạt vật chất trong không khí mang nhiều nguyên tố vi lượng và Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) - một nhóm hợp chất bao gồm có chất gây rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng đến trục vùng dưới đồi - tuyến yên và quá trình sinh tinh ở tinh hoàn, gây ra những thay đổi về tinh trùng.
Một số nghiên cứu cho rằng độc tố môi trường làm thay đổi tính toàn vẹn DNA của tinh trùng. Các kim loại nặng như chì, cadmium và thủy ngân có thể làm hỏng hệ thống sinh sản nam giới, làm suy yếu hoặc gián đoạn quá trình sinh tinh...
Với anh Lâm, nhiều khả năng vô sinh do tiếp xúc nhiều năm với hóa chất độc hại. Để giúp vợ chồng anh có con, bác sĩ Khoa cùng ê kíp thực hiện kỹ thuật vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng từ tinh hoàn. Với hệ thống kính vi phẫu độ phóng đại gấp 30 lần, bác sĩ Khoa tìm được hai ống sinh tinh tiềm năng và chuyển đến phòng lab bên cạnh. Chuyên gia phòng lab xé mô, soi tìm được tổng cộng 12 tinh trùng còn di động, hình thái bình thường. Toàn bộ "tinh binh" được trữ đông.
Đầu tháng 5, chị Phượng, vợ anh Lâm, được kích thích buồng trứng và chọc hút được 12 trứng trưởng thành, thụ tinh ống nghiệm cùng tinh trùng sau rã đông tạo được 5 phôi ngày 5. Chị Phượng được chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển phôi, đậu thai ngay lần đầu. Thai nhi hiện 28 tuần, phát triển khỏe mạnh.
"Nhiều năm tự dằn vặt, cuối cùng tôi đã có con của chính mình mà không phải xin tinh trùng", anh Lâm nói, thêm rằng dù biết tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại nhưng anh gắn bó với công việc ở công ty keo dán bởi nguồn thu nhập 15-18 triệu đồng gồm cả lương và các khoản phụ cấp độc hại, tăng ca.
"Sắp tới, tích lũy được ít vốn liếng, vợ chồng tôi dự định về quê làm ăn để môi trường sống đảm bảo, chăm sóc con tốt hơn", anh nói thêm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh toàn cầu là 15%, đồng nghĩa khoảng 60-80 triệu vợ chồng bị vô sinh. Vô sinh nam chiếm 40-70% do nhiều nguyên nhân như di truyền, môi trường, các chất ô nhiễm không khí, tâm lý và lối sống...
Bác sĩ Khoa cho hay cách đây vài năm, những trường hợp vô tinh không tắc nghẽn như anh Lâm phải xin tinh trùng từ người hiến tặng. Hiện với kỹ thuật trích tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn micro-TESE, họ hoàn toàn có thể có con của chính mình. Tại IVF Tâm Anh, hơn 70% nam giới mắc bệnh lý trên đã được điều trị thành công và có con.
Bác sĩ khuyến cáo để tăng cường khả năng sinh tinh và chất lượng tinh trùng, nam giới nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên vận động, hạn chế bia rượu, chất kích thích, kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi đầy đủ, không nên làm việc lâu dài trong môi trường ô nhiễm hay tiếp xúc hóa chất độc hại. Trường hợp bắt buộc làm việc trong những môi trường này nên sử dụng đồ bảo hộ đúng quy định trong quá trình làm việc, khám sức khỏe định kỳ, lên kế hoạch trữ tinh trùng để bảo tồn chức năng sinh sản, chuyển công việc khác khi sức khỏe không đủ điều kiện.
Vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn (trung bình 2-3 lần một tuần), không có thai sau kết hôn một năm, hoặc 6 tháng nếu người vợ trên 35 tuổi, nên đi khám sức khỏe sinh sản toàn diện để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ xin trứng hay tinh trùng.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi